Thái Nguyên: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,11%

Địa phương
04:29 PM 03/04/2023

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của cả nước giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước do kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường. Trong bối cảnh chung đó, sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực vượt khó, duy trì chỉ số tăng trưởng tốt đạt 6,11% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đánh giá, các yếu tố khó khăn, bất lợi đối với tăng trưởng kinh tế, trong đó có sản xuất công nghiệp là nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao và thị trường xuất khẩu không thuận lợi.

Tuy nhiên, nhờ tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cùng cơ chế thu hút đầu tư cởi mở và điều hành linh hoạt của chính quyền các cấp nên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã nhanh chóng ổn định và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, về chỉ số sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên tăng 6,11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,18%; sản xuất, phân phối điện tăng 2,99% và cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải tăng 31,77%. Đây là năm có IIP tăng cao thứ 2 trong vòng 5 năm trở lại đây (sau năm 2021).

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm của tỉnh đạt 186,74 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ và đạt 18,3% kế hoạch. Chia theo thành phần kinh tế, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 13,28 nghìn tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ).

Thái Nguyên: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,11%  - Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên.

Trong đó, công nghiệp địa phương ước đạt 7,47 nghìn tỷ đồng (tăng 8,9% và đạt 16,2% kế hoạch); khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 173,46 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4%.

Kết quả trên cho thấy, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Xét về sản lượng, các nhóm sảm phẩm chủ yếu có tăng trưởng cao gồm: Than sạch khai thác 368,8 nghìn tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ và đạt 25,8% kế hoạch; sản phẩm may 24,4 triệu cái, tăng 10,7% và đạt 13,5% kế hoạch; sắt thép các loại 360,8 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ và đạt 22,3% kế hoạch; tai nghe khác 14,5 triệu cái, tăng 4% so với cùng kỳ; điện thương phẩm 1,35 tỷ kWh, tăng 9,5% so với cùng kỳ và đạt 20,8% kế hoạch; nước máy thương phẩm 8,62 triệu m3, tăng 33,9% so với cùng kỳ và đạt 22,1% kế hoạch.

Thái nguyên: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng 6,11% so với cùng kỳ năm 2022 - Ảnh 2.

Dây chuyền may xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG.

Theo tính toán của ngành chức năng, với kết quả giá trị sản xuất công nghiệp đã đạt được trong quý I, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch cả năm 2023 thì giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng còn lại của năm phải đạt 833,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ, tức là bình quân mỗi quý còn lại của năm phải đạt 277,8 nghìn tỷ đồng, tăng 48,8% so với quý I/2023.

Đây là mục tiêu khó, nhưng có cơ sở để hoàn thành được với sự chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt, nhạy bén của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

Việc thu hút đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có nhiều khởi sắc. Trong quý I/2023, trên địa bàn tỉnh có 4 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký là 28,1 triệu USD, tăng 3 dự án và gấp 2,9 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 176 dự án FDI được cấp phép đăng ký và còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 10,39 tỷ USD.

Mới đây, trong tháng 3/2023, Tập đoàn Sunny đã làm việc với tỉnh Thái Nguyên và báo cáo Chính phủ về Dự án xây dựng Trung tâm công nghiệp Sunny Group, diện tích từ 26 đến 40 ha tại Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên) với tổng mức đầu tư từ 2 đến 2,5 tỷ USD. Mục tiêu đầu tư sản xuất ống kính camera, thiết bị quang học dùng cho ô tô và các sản phẩm quang học khác. Dự kiến hoàn thành đầu tư trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp chứng nhận đầu tư.

Thái nguyên: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng 6,11% so với cùng kỳ năm 2022 - Ảnh 3.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên (SEVT).

Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh gần đây, lãnh đạo Tập đoàn Samsung tại Việt Nam khẳng định năm 2023 sẽ tiếp tục duy trì sản xuất ổn định hoặc tăng trưởng cao hơn so với năm 2022 và nghiên cứu tiếp tục đầu tư sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, thử nghiệm vào tháng 5 và chính thức đi vào sản xuất từ tháng 11/2023.

Những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư, trọng tâm là hạ tầng về giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp. 

Hiện nay, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm như: Tuyến đường liên kết Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội; Cụm công nghiệp Bá Xuyên (TP. Sông Công)… 

Cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và các cơ chế chính sách khuyến khích sẽ tạo thêm lực hút với các nhà đầu tư, trong đó có lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Điều này góp phần tăng tốc sản xuất công nghiệp, hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm và phát triển Thái Nguyên trở thành trung tâm công nghiệp theo hướng hiện đại trong khu vực.

Thế Lợi (T/h)
Ý kiến của bạn
Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 ứng viên xuất sắc ở nhiều hạng mục Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 ứng viên xuất sắc ở nhiều hạng mục

Tối ngày 22/11, Giải thưởng quốc tế danh giá Kotler Awards 2024 đã diễn ra tại TP. HCM, tôn vinh 27 các Nhà tiếp thị kinh doanh, Chuyên gia Marketing, Nhà quản trị chiến lược và Doanh nghiệp xuất sắc với những thành tựu vượt trội, đóng góp cho sự phát triển bền vững và nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam.