Thái Nguyên chuyển mình sau sáp nhập: Kết nối tiềm năng và thúc đẩy du lịch phát triển toàn diện

Địa phương
08:27 AM 09/07/2025

Ngày 8/7, tại Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình Tọa đàm chuyên sâu về tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển du lịch của tỉnh sau quá trình sáp nhập.

Tham dự tọa đàm có đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; Các sở, ban ngành liên quan cùng đại diện các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Sự kiện nhằm tạo diễn đàn trao đổi, kết nối để phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng phát triển du lịch trong giai đoạn mới.

Tiềm năng du lịch đa dạng, lợi thế vị trí chiến lược

Theo đánh giá, Thái Nguyên sau sáp nhập trở thành một điểm đến có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở cửa ngõ kết nối vùng thủ đô Hà Nội với các tỉnh Đông Bắc Bộ. Hệ thống giao thông đồng bộ với quốc lộ, cao tốc và đường sắt tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.

Thái Nguyên chuyển mình sau sáp nhập: Kết nối tiềm năng và thúc đẩy du lịch phát triển toàn diện- Ảnh 1.

Toàn cảnh Toạ đàm.

Tỉnh sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng với hơn 1.000 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có nhiều di tích cấp quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa phi vật thể độc đáo. Các điểm đến nổi bật như ATK Định Hóa, ATK Chợ Đồn, hồ Núi Cốc, Vườn quốc gia Ba Bể, cùng Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tạo thành hệ sinh thái du lịch đa chiều, hấp dẫn.

Đặc biệt, Thái Nguyên được mệnh danh là "Cái nôi văn hóa trà Việt" với truyền thống trà lâu đời, trở thành nền tảng quan trọng để phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp và cộng đồng. Các loại hình du lịch MICE (hội nghị, hội thảo), khám phá, du lịch cộng đồng cũng đang được định hướng phát triển đa dạng, góp phần nâng cao giá trị ngành du lịch địa phương.

Thách thức và cơ hội trong thời kỳ hội nhập và phát triển toàn diện

Tọa đàm đã làm rõ những thách thức hiện hữu như việc đồng bộ hạ tầng du lịch còn hạn chế, năng lực quản lý và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, đặc biệt tại các vùng cao, vùng sáp nhập mới. Bên cạnh đó, việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, bản sắc còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương và doanh nghiệp.

Thái Nguyên chuyển mình sau sáp nhập: Kết nối tiềm năng và thúc đẩy du lịch phát triển toàn diện- Ảnh 2.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục Trưởng Cục du lịch Quốc gia Việt Nam.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Thái Nguyên tận dụng các chính sách hỗ trợ của Trung ương về phát triển du lịch bền vững, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong du lịch, cũng như khai thác hiệu quả tiềm năng tự nhiên và văn hóa đặc sắc để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, mang tính cạnh tranh cao.

Định hướng chiến lược phát triển du lịch bền vững

Trước những tiềm năng và thách thức đó, các đại biểu đã thống nhất định hướng phát triển du lịch Thái Nguyên tập trung vào các nội dung. Thứ nhất, chuyển đổi số toàn diện trong ngành du lịch: xây dựng nền tảng số kết nối các điểm đến, dịch vụ, doanh nghiệp, tạo hệ sinh thái du lịch thông minh, thuận tiện và minh bạch cho khách du lịch.

Thái Nguyên chuyển mình sau sáp nhập: Kết nối tiềm năng và thúc đẩy du lịch phát triển toàn diện- Ảnh 3.

Ông Dương Xuân Hùng, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên.

Thứ ha, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc: kết hợp văn hóa trà, du lịch sinh thái, cộng đồng và các sản phẩm OCOP, nông sản địa phương, làng nghề truyền thống để tạo chuỗi trải nghiệm hấp dẫn.

Thái Nguyên chuyển mình sau sáp nhập: Kết nối tiềm năng và thúc đẩy du lịch phát triển toàn diện- Ảnh 4.

Các đại biểu tại toạ đàm tham quan các gian hàng OCOP.

Thứ ba, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: đặc biệt chú trọng đến kỹ năng phục vụ, hướng dẫn viên du lịch tại các vùng mới sáp nhập, vùng cao, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của du lịch bền vững.

Thứ tư, quảng bá, xúc tiến hiệu quả: đẩy mạnh truyền thông quảng bá, giới thiệu hình ảnh Thái Nguyên qua các sự kiện văn hóa, lễ hội, liên kết với các tỉnh trong vùng và cả nước nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc kết nối các chủ thể du lịch và địa phương, đồng thời đề nghị tỉnh Thái Nguyên ưu tiên đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý và phát triển du lịch.

Đây được xem là bước đi chiến lược quan trọng giúp Thái Nguyên khẳng định vị trí điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước, hướng tới phát triển ngành du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển toàn diện.

Nhật Mai
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Các dự án giao thông trọng điểm được đẩy nhanh theo cơ chế "làn xanh" Hà Nội: Các dự án giao thông trọng điểm được đẩy nhanh theo cơ chế "làn xanh"

Nhằm tạo đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, thành phố Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm theo cơ chế “làn xanh”. Đáng chú ý, dự án cầu Tứ Liên đã chính thức khởi công vào ngày 19/5/2025, mở đầu cho loạt công trình cầu vượt sông quan trọng đang được triển khai quyết liệt trên địa bàn.