Thái Nguyên: Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công

Địa phương
03:55 PM 24/02/2023

Sau gần 2 năm thực hiện Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 30/3/2021 về thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, công tác thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nói chung và thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công nói riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thu được những kết quả tích cực.

Theo đó, hệ thống ngân hàng và các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời với nhiều giải pháp hữu hiệu, quyết liệt, đồng bộ, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu đối với từng lĩnh vực cụ thể.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn đã tổ chức triển khai và chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng cường đầu tư sơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, ngân hàng số, thanh toán số, đổi mới tiện ích, ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ thanh toán.

Thái Nguyên: Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công trên địa bàn tỉnh - Ảnh 1.

Nhân viên Ngân hàng BIDV Thái Nguyên hướng dẫn người dân thực hiện TTKDTM tại chợ Tân Long, TP. Thái Nguyên.

Đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động khách hàng mở tài khoản thanh toán qua ngân hàng, triển khai mở tài khoản thanh toán trực tuyến dựa trên định danh khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ chip, quét mã QR-Code trong thanh toán.

Đến hết năm 2022, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã mở trên 1,6 triệu tài khoản thanh toán cho khoảng 800.000 người, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng khoảng 81%. Các ngân hàng cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng, các đơn vị cung cấp dịch vụ công trong và ngoài địa bàn như Kho bạc, Hải quan, Thuế, Bảo hiểm xã hội, các bệnh viện, trường học… ký kết thỏa thuận phối hợp để thực hiện đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với một số dịch vụ công.

Theo đó, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện mở 33 tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tại 12 NHTM (Agribank, BIDV, MB, Vietcombank, Vietinbank, Vpbank, SHB, Techcombank, SeABank, LienVietPostbank, MSB, HDbank), 100% các khoản thu ngân sách được thực hiện qua hệ thống NHTM; 100% giao dịch nộp thuế của tổ chức, cá nhân đều được thực hiện qua ngân hàng.

Các hình thức thanh toán tiền điện được thực hiện thông qua Ủy nhiệm thu tự động, Mobile Banking, Internet Banking, BankPlus, ATM, POS tại các quầy giao dịch và các hình thức khác do tổ chức trung gian thu hộ cung cấp, tạo thuận lợi cho khách hàng có thể thanh toán ở bất kỳ thời điểm, địa điểm nào. 100% các cơ sở giáo dục, đào tạo đã thực hiện thanh toán tiền lương, các chế độ cho giáo viên, chế độ chính sách cho người học, thanh toán tiền học phí, đang triển khai thu hộ học phí cho 613 trường học trên địa bàn.

Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đều thực hiện lắp đặt POS, mã QR Code để phục vụ thu viện phí qua thẻ ngân hàng, niêm yết tài khoản của đơn vị để người bệnh thanh toán các dịch vụ qua smart banking, ví điện tử… Tỷ lệ bệnh nhân chi trả chi phí khám chữa bệnh bằng hình thức TTKDTM đến nay đạt khoảng 36%.

Thái Nguyên: Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công trên địa bàn tỉnh - Ảnh 2.

Người dân thanh toán viện phí qua QR tại Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên

Cùng với đó, các mô hình phát triển TTKDTM được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực. Đơn cử như Mô hình Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt (phổ biến là thanh toán qua hình thức quét mã QR Code), giúp cho người dân, tiểu thương thấy được lợi ích, sự an toàn, tiện lợi của việc TTKDTM, từ đó tạo thói quen trong việc sử dụng dịch vụ thanh toán trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng (do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì) để hỗ trợ, hướng dẫn người dân, các hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ cài đặt ứng dụng nền tảng số. Từ đó, chuyển hình thức mua bán, tiêu thụ sản phẩm từ giao dịch truyền thống sang giao dịch trên các sàn thương mại điện tử nhằm thúc đẩy tiến độ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh đã thành lập 2.255 Tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số thành viên gần 15.000 người....

Thái Nguyên: Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công trên địa bàn tỉnh - Ảnh 3.

Tổ công nghệ số cộng đồng của xã Tiên Hội, huyện Đại Từ hướng dẫn người dân sử dụng cài đặt các nền tảng số

Việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt cả về số lượng và chất lượng, phạm vi hoạt động đã tạo điều kiện rất nhiều cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ số. Tuy nhiên, nhiều địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế do điều kiện kinh tế chưa phát triển, người dân chưa có các thiết bị thông minh để thực hiện thanh toán và ít được tiếp cận với công nghệ và dịch vụ ngân hàng hiện đại; nhận thức của người dân về dịch vụ thanh toán điện tử còn hạn chế, thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán còn phổ biến nhất là đối tượng người cao tuổi, người ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; việc chi trả các dịch vụ an sinh xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công đang hưởng trợ cấp thường xuyên, chi trả tiền lương hưu... qua tài khoản còn chưa đạt hiệu quả cao.

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong thời gian tới, các ngành chức năng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp và người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, từng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn nhằm nâng cao kiến thức, khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật cho các giao dịch thanh toán qua ngân hàng, tạo sự tin tưởng, giúp người dân yên tâm khi sử dụng dịch vụ thanh toán. Qua đó, góp phần thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. 

Thế Lợi
Ý kiến của bạn
Đường sắt sẽ thông tàu qua cầu Long Biên, cầu Đuống chiều 13/9 Đường sắt sẽ thông tàu qua cầu Long Biên, cầu Đuống chiều 13/9

Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, sáng nay (13/9) đường sắt đã thử tải an toàn qua cầu Long Biên và cầu Đuống. Từ chiều nay các đoàn tàu sẽ chạy trở lại trên 2 cầu Long Biên và cầu Đuống.