Thái Nguyên: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chè OCOP
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 173 sản phẩm được xếp hạng tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao (có 91 sản phẩm 3 sao, 80 sản phẩm 4 sao, 02 sản phẩm 5 sao) trong đó sản phẩm chè chiếm 70% với 121 sản phẩm. Năm 2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đề án là cơ sở khoa học để xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên, phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương, trên cơ sở đó đề ra định hướng, giải pháp, cơ chế chính sách và tập trung nguồn lực để hỗ trợ các sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó xác định cây chè là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên.
Thái Nguyên có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây chè, tổng diện tích chè toàn tỉnh Thái Nguyên tính đến năm 2020 ước đạt 22.396 ha, giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 1,17%/năm, sản lượng chè tươi đạt 244.502 tấn tăng bình quân 3,86%/năm, tổng giá trị sản xuất chè đạt 5.580 tỷ đồng. Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất, chế biến chè an toàn, hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất an toàn tăng nhanh, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng như: Sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh chè. Đến năm 2020, diện tích chè được cấp chứng nhận VietGAP toàn tỉnh Thái Nguyên đạt 2468,5ha, diện tích áp dụng sản xuất hữu cơ 110ha, diện tích chè ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm đạt 4.723ha. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm chè, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt ở những nơi thâm canh chè vụ Đông.
Chất lượng sản phẩm chè Thái Nguyên sau chế biến đã được thị trường trong và ngoài nước đón nhận qua nhiều năm, hiện nay toàn tỉnh Thái Nguyên có tổng sản lượng chè xanh, chè xanh chất lượng cao đã qua chế biến đạt trên 39.100 tấn, chiếm 80% tổng sản lượng, chủ yếu từ các cơ sở chế biến bằng phương pháp bán công nghiệp và chế biến nhỏ truyền thống tại các hộ gia đình.
Ngoài việc đầu tư cho khâu trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm chè, trong thời gian qua các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã chú ý, tăng cường đầu tư cho khâu đóng gói, bảo quản, cải tiến mẫu mã sản phẩm, chính vì vậy giá trị sản phẩm chè Thái Nguyên đã được cải thiện đáng kể. Hiện đã có trên 80% hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư công nghệ đóng gói tự động, sử dụng tem điện tử để truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm chè là khâu then chốt, trong những năm qua Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất chè về quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên", thương hiệu chè mang chỉ dẫn địa lý "Tân Cương" và các nhãn hiệu tập thể khác thuộc các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các lễ hội trà, hội chợ triển lãm, đồng thời tổ chức, tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Ông Triệu Văn Cương - Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức chuyển đổi tư duy cho người dân, các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng về xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm chè Thái Nguyên.
Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho các sản phẩm chè OCOP tham gia vào các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến. Xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP, kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia.
Quang HưngMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.