Thái Nguyên: Dự án Bến tàu du lịch Hồ Núi Cốc - 10 năm không giải phóng được mặt bằng

Địa phương
05:13 PM 26/06/2021

Suốt 10 năm qua, Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Khoáng sản và Bất động sản Anh Thắng không thể triển khai dự án theo tiến độ đã cam kết vì vướng mắc giải phóng mặt bằng. Mặc dù Công ty đã nhiều lần gửi văn bản đến các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên để phối hợp giải quyết, nhưng dự án vẫn dậm chân tại chỗ...

Thái Nguyên            Dự án Bến tàu du lịch Hồ Núi Cốc            10 năm không giải phóng được mặt bằng  - Ảnh 1.

Các hộ dân xây dựng trái phép trong khuôn viên dự án Bến tàu du lịch Hồ Núi Cốc

Năm 2011, để chuẩn bị cho lễ hội Festival Trà Thái Nguyên lần thứ nhất và kêu gọi thu hút đầu tư, UBND tỉnh Thái Nguyên đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 17121000062, Quyết định phê duyệt qui hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho Công ty TNHH MTV Khoáng sản và Bất động sản Anh Thắng để triển khai dự án Bến tàu du lịch Hồ Núi Cốc. 

Dự án này bao gồm các hạng mục khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, nhà hàng, khu neo đậu tàu, tổng số vốn đầu tư lên đến 25 triệu USD. Theo qui hoạch được phê duyệt, dự án có tổng diện tích là 150ha, trong đó diện tích đất là 32,03ha, diện tích mặt nước là 117,97ha. Với thiết kế đồng bộ và hiện đại, dự án khi đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Hồ Núi Cốc.

Ngay sau khi được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt qui hoạch, Chủ đầu tư đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện việc cắm mốc qui hoạch, lập và phê duyệt phương án bồi thường GPMB, bố trí tái định cư. Tổng số có 23 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án với số tiền đền bù là 7.187 triệu đồng, chủ đầu tư đã chuyển cho Trung tâm quỹ đất huyện Đại Từ để thực hiện chi trả. Nhưng đến nay duy nhất chỉ có một hộ dân nhận đất tái định cư và bàn giao mặt bằng, còn 16 hộ dân không nhận tiền đền bù và có đơn khiếu nại về phương án bồi thường. Suốt từ năm 2016 đến nay, việc triển khai bồi thường GPMB dự án này dậm chân tại chỗ, cho dù Chủ đầu tư đã nỗ lực nhiều lần có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên xem xét tháo gỡ khó khăn.

Do dự án kéo dài không thể hoạt động đã làm mất cơ hội hợp tác kinh doanh của nhà đầu tư. Hơn nữa, các thiết bị, máy móc nhà xưởng nhập từ nước ngoài về phục vụ cho dự án nằm phơi nắng mưa qua 10 năm đã có dấu hiệu xuống cấp, ước tính thiệt hại nhiều tỷ đồng. Một dự án chỉ có trên 32ha, nhưng 10 năm không giải phóng xong mặt bằng đã tác động tiêu cực đến môi trường thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên

Từ năm 2011 đến nay, Công ty TNHH MTV Khoáng sản và Bất động sản Anh Thắng đã đầu tư gần 50 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục như xây dựng bến tàu, sân bãi, nhà nghỉ dưỡng… nhưng vẫn không thể hoạt động được do không có mặt bằng để kết nối các hạng mục của dự án. Và cũng 10 năm qua, Chủ đầu tư phải gồng mình trả lãi vay ngân hàng cho dự án.

Đại diện Công ty TNHH MTV Khoáng sản và Bất động sản Anh Thắng cho biết: "Có những thời điểm khi lãi suất ngân hàng tăng cao, cùng với khủng hoảng tài chính, và đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19 kéo dài khiến doanh nghiệp điêu đứng, gặp muôn vàn khó khăn. Nếu các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên không vào cuộc tháo gỡ vướng mắc, thì dự án này nguy cơ chết yểu là hiện hữu".

Quang Hưng
Ý kiến của bạn