Thái Nguyên: Du lịch nông nghiệp mô hình mới tại một đơn vị nghiên cứu khoa học
Với bề dày truyền thống trong lĩnh vực nghiên cứu nhân giống các loại gia súc, gia cầm, trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đã thực hiện thành công nhiều đề tài khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Ngoài nhân thuần giống ngựa đơn, hơn 20 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đã được giao nhiệm vụ mở rộng đối tượng nghiên cứu các loại gia súc, gia cầm như trâu, gà, vịt và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các chương trình chuyển giao công nghệ và đào tạo của đơn vị cho các địa phương như Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Giang… đều cho kết quả tốt góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.
Các sản phẩm của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đã góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi phía Bắc, từng bước xóa đói giảm nghèo tiến tới xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp bền vững, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng chương trình nông thôn mới tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi có địa hình đẹp, diện tích rộng, khung cảnh thơ mộng nằm cạnh dòng sông Công rất thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm du lịch. Phát huy lợi thế sẵn có đồng thời để tạo thêm công việc cho người lao động, thời gian qua lãnh đạo đơn vị đã mạnh dạn phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại trung tâm qua đó đã thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân đến tham quan mô hình nuôi ngựa, đà điểu...
Đặc biệt trải nghiệm hoạt động cưỡi ngựa, ngắm đàn ngựa hú, chụp ảnh bên đàn ngựa, đang thu hút được nhiều bạn trẻ. Tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đang sở hữu đàn ngựa với nhiều chủng loại khác nhau như: ngựa bạch, ngựa Mông Cổ, ngựa lai... nhiều bạn trẻ vô cùng phấn khích khi được trải nghiệm cưỡi lên lưng một chú ngựa bạch, ngắm nhìn dòng sông Công hiền hòa, uốn lượn quanh khu vực trung tâm.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xin chủ trương tăng cường đầu tư cơ sở sở vật chất, phục vụ tốt nhất các hoạt động trải nghiệm du lịch tại đơn vị để đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh có nhiều cơ hội tiếp cận với các sản phẩm du lịch nông nghiệp của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi".
Quang HưngLượng hàng tồn kho bất động sản có dấu hiệu tăng tạo không ít gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh yếu hoặc dùng đòn bẩy tài chính cao.