Thái Nguyên: Huyện Phú Lương phát triển kinh tế tập thể để xây dựng nông thôn mới
Với quyết tâm về đích huyện nông thôn mới (NTM) trong năm 2024, UBND huyện Phú Lương đã huy động mọi nguồn lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong nhân dân, tạo sức mạnh tập thể, từng bước hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM.
Phú Lương là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, xác định nông, lâm nghiệp là thế mạnh để phát triển kinh tế xã hội, trong những năm qua Huyện uỷ Phú Lương đã ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển hoạt động của các hợp tác xã (HTX), nhất là HTX nông, lâm nghiệp để giải quyết việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động nông thôn, đáp ứng tốt các nhu cầu của thành viên HTX.
Từng bước xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, hướng đến liên kết sản xuất giữa các hộ gia đình và vẫn đảm bảo tính chủ động của kinh tế hộ gia đình; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự ở nông thôn và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ông Bùi Phương Thảo, Chủ tịch UBND xã Phủ Lý, cho biết: Với đặc thù là xã thuần nông để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn xã, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương, thời gian qua, UBND xã đã vận động nhân dân phát triển nhiều mô hình kinh tế tập tập thể như chăn nuôi, mở rộng diện tích cây chè…các mô hình kinh tế này đã phát huy sức mạnh tập thể, góp phần không nhỏ vào sự đổi thay diện mạo nông thôn.
Hiện nay trên địa bàn xã Phủ Lý có 18 hộ gia đình đang triển khai mô hình chăn nuôi trang trại và gia trại, được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp về kỹ thuật, quy trình chăm sóc, theo dõi tăng trưởng vật nuôi, các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Phủ Lý đã mạnh dạn đầu tư công nghệ xử lý môi trường, phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp xanh, bền vững.
UBND xã đã trình các cấp có thẩm quyền quy hoạch xóm Na Dau để xây dựng các dự án chăn nuôi, hiện đã có doanh nghiệp triển khai các trình tự, thủ tục để đầu tư khu chăn nuôi lợn công nghệ cao tại khu quy hoạch này.
Ngoài chăn nuôi, trên địa bàn xã Phủ Lý có nhiều sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh như cây chè, gạo nếp Vải, sản phẩm gạo nếp Vải của xã Phú Lý có mùi thơm đặc trưng, mềm dẻo đã và đang khẳng định được chất lượng, tuy nhiên do sản lượng còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Để phát triển sản phẩm gạo nếp Vải, UBND xã Phủ Lý đã quy hoạch 50ha trồng loại gạo đặc sản này, đồng thời vận động nhân dân xây dựng nhãn mác tập thể gạo nếp Vải, xây dựng gạo nếp Vải là sản phẩm OCOP của xã.
Tuy nhiên phần lớn các HTX trên địa bàn xã Phủ Lý có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều khả năng cạnh tranh trên thị trường còn yếu. Mô hình HTX kiểu mới theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự mạnh. Hoạt động xúc tiến thương mại chưa có nhiều đổi mới; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức... Trong giai đoạn tới UBND xã tiếp tục đề nghị cấp trên quan tâm dành nhiều nguồn lực hỗ trợ để đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế tập thể, HTX, ông Bùi Phương Thảo cho biết thêm.
Quang HưngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.