Thái Nguyên: Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tìm giải pháp phục hồi sau đại dịch covid-19

Doanh nghiệp - Doanh nhân
07:00 AM 01/06/2020

Hậu Covid-19 là lúc để các nhà doanh nghiệp (DN) và ngân hàng (NH) có dịp ngồi lại với nhau bàn chuyện khai thông đồng vốn, tháo gỡ khó khăn, mở rộng sản xuất - kinh doanh. Cơ may này đã đến với các doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh Thái Nguyên vào sáng ngày 27/05/2020 khi một hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp được diễn ra do Tỉnh ủy Thái Nguyên chủ trì.

    Một DN may mặc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được hỗ trợ từ ngân hàng.

    Dự hội nghị có ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, cùng đại diện các ngân hàng, các DN trên địa bàn tỉnh.

    Tại hội nghị NHNN Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên đã thông tin khái quát về kết quả triển khai các giải pháp của ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; báo cáo kết quả tình hình triển khai các giải pháp cũng như khó khăn, vướng mắc của ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 5.300 DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ước tính thiệt hại khoảng 50 nghìn tỷ đồng, dư nợ tín dụng có mức tăng trưởng thấp đạt 1,24%. 

    Đại diện các DN trên địa bàn tỉnh đánh giá cao sự vào cuộc, hỗ trợ, đồng hành của hệ thống ngân hàng thời gian qua, đồng thời khẳng định, sự hỗ trợ này là hết sức cần thiết, giúp DN và người dân có điều kiện để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đa số các ý kiến cho rằng, so với khó khăn mà DN gặp phải thì những hỗ trợ trong lĩnh vực tín dụng cần nhiều hơn thế, thay vì giảm lãi suất 0,5%  như hiện nay.

     Để cụ thể hóa các giải pháp, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần chủ động, linh hoạt khi tiếp cận với khách hàng là DN. Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP - BIDV Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Để hỗ trợ khó khăn cho khách hàng là DN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Chi nhánh BIDV Thái Nguyên đã thực hiện các giải pháp trọng tâm như: Cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay mới hoặc kéo dài thời hạn cho vay.

    Chi nhánh BIDV Thái Nguyên đã thực hiện cơ cấu nợ cho 15 khách hàng (trong đó 14 khách hàng là DN) với tổng dư nợ được cơ cấu là 352 tỷ đồng, chiếm 3,1% dư nợ, giảm lãi suất cho vay từ 0,2% - 2%/năm đối với các khoản vay hiện hữu của 188 khách hàng với tổng dư nợ gốc được giảm lãi suất là 1.482 tỷ đồng. Đối với khoản vay mới hoặc kéo dài thời hạn vay, BIDV Chi nhánh Thái Nguyên đã giải ngân cho vay 8.477 tỷ đồng (trong đó có 7.434 tỷ đồng được giải ngân cho 200 khách hàng là DN, chiếm 74%).

    Theo đại diện Ngân hàng BIDV chi nhánh Thái Nguyên thì mặc dù dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, song đây cũng là cơ hội để DN có thể tái cấu trúc lại hoạt động của chính mình, đẩy nhanh và mạnh mẽ các ứng dụng CNTT vào công tác quản trị điều hành, quản trị sản xuất, bán hàng. Tăng cường sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử. Từ đó giúp giảm bớt áp lực sử dụng, tiêu dùng tiền mặt cho nền kinh tế.

    Kết luận hội nghị, ông Lê Quang Tiến và bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ một cách tốt nhất cho DN sớm phục hồi sản xuất. Những kiến nghị của DN sẽ được NHNN nghiên cứu để đề xuất và đưa ra các biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn cho DN thời điểm này.
     

    Quang Hưng
    Ý kiến của bạn
    IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

    Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.