Thái Nguyên: Kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU tại huyện Phú Lương

Địa phương
09:55 AM 12/04/2023

Mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chương trình đề án phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tại huyện Phú Lương.

Dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; Phạm Văn Sỹ, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo một số sở, ban ngành của tỉnh.

Về phía huyện Phú Lương có ông Nguyễn Quốc Hữu, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Bí thư Huyện ủy Phú Lương; Ngô Thành Trung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Nguyễn Thúy Hằng, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện các phòng, ban, ngành chuyên môn huyện Phú Lương.

Thái Nguyên: Kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU tại huyện Phú Lương - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Trong những năm qua, huyện Phú Lương đã chỉ đạo kịp thời và quyết liệt tập trung khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn và đạt nhiều kết quả tích cực.

Đồng thời, huyện đã đẩy mạnh thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như: Hỗ trợ dự án liên kết sản xuất trong nông nghiệp, hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất chè, xây dựng các mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng rừng, sản xuất thâm canh cây ăn quả...

Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và sâu bệnh hại trên cây trồng được thực hiện tốt, không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Cụ thể như: giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2020 – 2022 tăng bình quân 4,3%, vượt kế hoạch giai đoạn 0,8%; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha diện tích đất nông nghiệp trồng trọt đến năm 2022 đạt 112,9 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 44,2 triệu đồng/người/năm.

Đến năm 2022, diện tích chè toàn huyện là 4.136ha, cao hơn 46ha so với năm 2019; trong đó diện tích áp dụng tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ đạt 2.906ha, chiếm 69,3% tổng diện tích, vượt kế hoạch 7,3%.

Thái Nguyên: Kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU tại huyện Phú Lương - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quốc Hữu, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Bí thư Huyện ủy Phú Lương phát biểu tại Hội nghị.

Tổng diện tích gieo cấy năm 2022 là 5.624,2ha giảm 313,8ha so với năm 2019 do chuyển đổi mục đích sử dụng sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, kết hợp nuôi thủy sản, làm đường giao thông và chuyển sang mục đích khác. Trong đó, diện tích trồng lúa chất lượng cao, đặc sản là 2.689ha, chiếm 47,8% tổng diện tích gieo cấy.

Tổng đàn gia súc, gia cầm năm 2022 đạt 1.587.572 con, toàn huyện có 211 trang trại tập trung, trong đó chú trọng chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Diện tích mặt nước đưa vào nuôi trồng thủy sản đạt 646ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.461 tấn. Diện tích trồng rừng gỗ lớn thực hiện được 125ha, tăng 105ha so với năm 2020.

Hiện nay, toàn huyện có 16 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao, 12/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Về xây dựng huyện Phú Lương đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2024, đến nay huyện đạt 2/9 tiêu chí và 21/36 chỉ tiêu. Các tiêu chí còn lại huyện đã xây dựng lộ trình thực hiện, phấn đấu để hoàn thành…

Tại Hội nghị, các đại biểu, lãnh đạo các sở, ban ngành đã tập trung thảo luận và cho ý kiến vào kết quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chương trình đề án phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và huyện Phú Lương: Tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân/ha đất trồng trọt, thu nhập bình quân đầu người.

Qua đó, chỉ ra huyện Phú Lương cần chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP; huyện cần xác định được thế mạnh, ưu tiên phát triển cây chè; chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng cây chè còn hạn chế, phát triển thương hiệu chè; huyện cần chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung để hạn chế chăn nuôi nông hộ; quan tâm đến chương trình trồng rừng gỗ lớn, nâng cao nhận thức của người dân về trồng rừng gỗ lớn; công tác dồn điền đổi thửa; hỗ trợ phát triển hợp tác xã, chứng nhận VietGap; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch của huyện…

Thái Nguyên: Kiểm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU tại huyện Phú Lương - Ảnh 3.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình đã biểu dương những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU trên địa bàn huyện Phú Lương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Phú Lương cần tiếp tục thực hiện những nội dung như: Huyện cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chương trình đề án phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch đồng bộ, để làm tiền đề, cơ sở xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024; nâng cao mức sống và thu nhập cho người dân trên địa bàn, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp; quan tâm phát triển tăng diện tích đất trồng chè, phát triển sản phẩm chè đa dạng.

Mở rộng, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản, thế mạnh của huyện như: cây chè, cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà, đại gia súc… theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất an toàn, hữu cơ gắn với liên kết chuỗi.

Đối với các sở, ban ngành của tỉnh cần có sự quan tâm giúp đỡ huyện Phú Lương trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU và xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có cơ chế hỗ trợ dồn điền đổi thửa; tiếp tục đầu tư, nâng cấp, quản lý tốt các công trình thủy lợi, công trình nước sạch trên địa bàn.

Thế Lợi
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.