Thái Nguyên: Phát triển kinh tế từ cây quế trên vùng đất chiến khu Định Hóa
Xác định nông – lâm nghiệp là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế xã hội, trong những năm qua, huyện Định Hóa đã tích cực vận động nhân dân trồng rừng, phát triển kinh tế từ rừng trong đó cây quế là đối tượng được chọn để trồng trên quy mô lớn bởi cây quế có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp và cho giá trị kinh tế cao.
Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2015 – 2020, trên địa bàn huyện Định Hóa đã trồng được trên 2600ha với 3.639 hộ gia đình tham gia trồng, chăm sóc cây quế, diện tích trồng tăng qua từng năm, từ 104ha năm 2015 lên 305ha năm 2021. Để thực hiện chương trình trồng cây quế, Huyện ủy, UBND huyện Định Hóa xác định đây là nhiệm vụ chính trị then chốt, thành công của việc trồng cây quế sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế từ rừng, đảm bảo sinh kế cho nhân dân trên địa bàn. Vì vậy Huyện ủy, UBND huyện Định Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
BQL Rừng ATK Định Hóa là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch trồng cây quế trên địa bàn huyện. Hàng năm đơn vị đã chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các hộ dân thực hiện trồng cây quế đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, từ đó cây quế tăng trưởng tốt bước đầu đã đem lại những tín hiệu tích cực, tạo ra một hướng phát triển kinh tế nhiều tiềm năng.
Với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, độ sáng thích hợp, cùng với kỹ thuật chăm sóc tốt, qua 6 năm triển khai trồng cây quế trên địa bàn huyện Định Hóa, tỷ lệ cây sống đạt trên 85%, cây sinh trưởng phát triển tốt. Mặc dù thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, một số cây bị chết tuy nhiên các hộ dân đã chủ động tìm hiểu nguyên nhân và trồng dặm lại đảm bảo mật độ cây theo đúng quy trình.
Việc đưa cây quế vào phát triển kinh tế đồi rừng là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với quy định của Nhà nước cũng như quy hoạch của tỉnh Thái Nguyên về hướng phát triển cây dược liệu. Cây quế đem lại hiệu quả kinh tế cao, thêm vào đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của đại bộ phận người dân trên địa bàn huyện.
Cây quế đã trở nên thân thuộc với người dân trên địa bàn huyện Định Hóa, bởi nhờ có cây quê mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo, thậm chí là làm giàu từ cây quế. Hiện nay với mật độ trồng 5000 cây/ha, sau 04 năm chăm sóc đã có thể cho khai thác gồm cành, lá, vỏ. Với giá thị trường như hiện nay sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi hécta quế chu kỳ 15 năm cho thu nhập bình quân khoảng 400 triệu, có hộ thu nhập cao đạt 800 triệu, hộ thấp nhất đạt 200 triệu.
Ông Hoàng Văn Thắng, Phó BQL rừng ATK Định Hóa cho biết: "Huyện Định Hóa có tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông - lâm nghiệp khi có dự án trồng cây quế, đại bộ phận nhân dân đã tích cực tham gia, hiện trên địa bàn huyện đã có một số hộ trồng quế đã cho thu hoạch, hiệu quả thu nhập cao hơn các loài cây khác hiện có trên địa bàn, từ đó đã khuyến khích người dân tích cực tham gia phát triển trồng cây quế. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân, kiểm tra hướng dẫn nhân dân bảo quản, chăm sóc cây giống, trồng rừng đúng kỹ thuật, đúng thời vụ. Không thiết kế trồng cây quế trên loại đất thoái hóa, đất bạc màu, đất nghèo dinh dưỡng".
Để cây quế trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Định Hóa, chắc chắn sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ từ lựa chọn cây giống, trồng rừng, chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm. Với các giải pháp đồng bộ và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong tương lai không xa cây quế sẽ là giải pháp tối ưu để trồng rừng và phát triển kinh tế từ rừng tại Định Hóa.
Quang HưngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.