Thái Nguyên: Phát triển kinh tế từ trồng cây gỗ lớn
Thái Nguyên có tổng diện tích rừng là 188.466ha, xác định nông - lâm nghiệp là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế xã hội, trong những năm qua Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế từ rừng.
Lực lượng Kiểm lâm Thái Nguyên trong một lần kiểm tra thực địa
Trong những năm qua, chính quyền địa phương các cấp tỉnh Thái Nguyên đã tích cực vận động nhân dân trồng rừng, làm giàu trên đất rừng trong đó cây Quế là đối tượng được chọn để trồng trên quy mô lớn bởi cây Quế có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp và cho giá trị kinh tế cao.
Qua 6 năm triển khai trồng cây Quế trên địa bàn huyện Định Hóa, tỷ lệ cây sống đạt trên 85%, cây sinh trưởng phát triển tốt. Mặc dù thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm một số cây bị chết tuy nhiên các hộ dân đã chủ động tìm hiểu nguyên nhân và trồng dặm lại đảm bảo mật độ cây theo đúng quy trình.
Việc đưa cây Quế vào phát triển kinh tế đồi rừng là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với quy định của Nhà nước cũng như quy hoạch của tỉnh Thái Nguyên về hướng phát triển cây dược liệu. Cây Quế đem lại hiệu quả kinh tế cao, thêm vào đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của đại bộ phận người dân trên địa bàn huyện.
Cây Quế đã trở nên thân thuộc với người dân trên địa bàn huyện Định Hóa, bởi nhờ có cây Quế mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo, thậm chí là làm giàu từ cây Quế. Hiện nay với mật độ trồng 5000 cây/ha, sau 04 năm chăm sóc đã có thể cho khai thác gồm cành, lá, vỏ. Với giá thị trường như hiện nay sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi hécta Quế chu kỳ 15 năm cho thu nhập bình quân khoảng 400 triệu, có hộ thu nhập cao đạt trên 1 tỷ đồng, hộ thấp nhất đạt 200 triệu.
Với giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng, giờ đây mô hình trồng cây Quế đã được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tại huyện Võ Nhai trong năm 2022 ngoài diện tích rừng trồng theo kế hoạch, Hạt Kiểm lâm Võ Nhai tiếp tục chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn tham mưu cho UBND các xã, thị trấn trồng thêm 100ha cây Quế. Hàng năm Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai đã chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các hộ dân thực hiện trồng cây quế đảm bảo đúng qui trình kỹ thuật, từ đó cây Quế tăng trưởng tốt bước đầu đã đem lại những tín hiệu tích cực, tạo ra một hướng phát triển kinh tế nhiều tiềm năng.
Ông Nguyễn Đức Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai cho biết: "Võ Nhai có nhiều tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông - lâm nghiệp, khi có dự án trồng cây Quế, đại bộ phận nhân dân đã tích cực tham gia, hiện trên địa bàn huyện có một số hộ trồng quế đã cho thu hoạch, hiệu quả thu nhập cao hơn các loài cây khác hiện có trên địa bàn, từ đó đã khuyến khích người dân tích cực tham gia phát triển trồng cây Quế. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân, kiểm tra hướng dẫn nhân dân bảo quản, chăm sóc cây giống, trồng rừng đúng kỹ thuật, đúng thời vụ. Không thiết kế trồng cây Quế trên loại đất thoái hóa, đất bạc màu, đất nghèo dinh dưỡng".
Để cây Quế trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thì sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ từ lựa chọn cây giống, trồng rừng, chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm. Với hướng đi phù hợp và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong tương lai không xa cây Quế sẽ là giải pháp tối ưu để phát triển kinh tế và làm giàu từ rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Quang HưngXu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục lan rộng trong tháng 11 khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh cạnh tranh, áp dụng mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn, đặc biệt dành cho các khoản tiền gửi dài hạn.