Thái Nguyên: Tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa
Để phát huy vai trò quan trọng của giao thông đường thủy đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, các lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
Thái Nguyên có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ để kết nối với thủ đô Hà Nội và đồng bằng Sông Hồng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, với tổng chiều dài khoảng 45km hệ thống đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đã và đang đóng góp tích cực vào việc vận chuyển, bốc dỡ, hàng hóa và hoạt động tham quan du lịch.
Thực hiện sự chỉ đạo của liên ngành cấp Cục (Cục Đường thủy nội địa, Cục Cảnh sát Giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam), Sở Giao thông Vận tải Thái Nguyên và Công an tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Kế hoạch số 1494/KHLN-SGTVT-CAT ngày 18/7/2022 bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2022, chỉ đạo Thanh tra Sở, Phòng Quản lý Vận tải phương tiện và người lái phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra đối với 18 bến thủy nội địa, 8 điểm neo đậu, 2 cầu phao, 8 bến đò ngang, 9 mỏ cát sỏi, phương tiện thủy. Qua kiểm tra Đoàn Kiểm tra Liên ngành đã kiên quyết đình chỉ và giao cho Công an các huyện, thành phố xử lý vi phạm đối với 5 bến thủy nội địa, 8 điểm neo đậu, 2 cầu phao, 3 bến đồ ngang và 42 phương tiện thủy không đủ điều kiện hoạt động. Lập biên bản vi phạm hành chính với tổng mức phạt 6 triệu đồng cho 2 bến vi phạm hành vi: trồng cây che khuất biển báo hiệu bến thủy nội địa.
Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thái Nguyên đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức tuần tra kiểm soát các phương tiện thủy nội địa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Thiếu tá Chu Việt Oanh, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường sắt, đường thủy - Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đến hết tháng 10/2022, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 54 trường hợp với 58 lỗi vi phạm TTATGT chủ yếu do ý thức của chủ phương tiện và người dân tham gia giao thông như: Chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn; không sơn, kẻ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện; không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; không mặc áo phao khi tham gia giao thông trên phương tiện thủy… Thu nộp Ngân sách Nhà nước trên 132 triệu đồng.
Song song với công tác tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, Sở Giao thông Vận tải và Công an tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp Ban an toàn toàn giao thông tỉnh trao tặng 25 chiếc áo phao và tuyên truyền tới các thuyền viên HTX du lịch hồ Ghềnh Chè mặc áo phao đúng cách khi tham gia giao thông bằng phương tiện đường thủy nội địa; phát 5.950 tờ rơi tuyên truyền về Luật an toàn giao thông đường thủy nội địa cho các hộ dân sống ven sông, hồ, phương tiện thủy hoạt động trên tuyến sông Công, sông Cầu và khu vực Hồ Núi Cốc. Tổ chức ký 118 cam kết chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa cho các chủ bến thủy và chủ phương tiện thủy; thực hiện 120 buổi tuần tra kiểm soát bằng xuồng kết hợp dùng loa phát thanh tuyên truyền về luật an toàn giao thông đường thủy nội địa…
Vận tải thủy nội địa đã và đang đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh Thái Nguyên và khu vực. Giao thông đường thủy nội địa không chỉ là nơi khai thác hoạt động vận tải mà còn phục vụ cho các ngành thủy lợi, thủy sản, xây dựng và du lịch.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Thái Nguyên thời gian qua, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của một số chủ phương tiện, chủ bến trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, vẫn còn tình trạng các đoàn kiểm tra đã đình chỉ nhưng các chủ phương tiện vẫn cố tình hoạt động, như: Điểm tập kết cát sỏi khu vực đầu cầu Đa Phúc, xã Thuận Thành, thành phố Phổ Yên hoạt động trái phép, vi phạm hành lang bảo vệ Cầu Đa Phúc; một số bến thủy nội địa trên địa bàn xã Thuận Thành, thành phố Phổ Yên hoạt động kinh doanh bến thủy nội địa không phép tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất TTATGT đường thủy nội địa; vẫn còn tồn tại hoat động chở khách gây mất trật tự an toàn giao thông tại khu vực Hồ Gò Miếu, xã Ký Phú, huyện Đại Từ. Cùng với đó, là lực lượng thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đối với hoạt động thủy nội địa còn mỏng, không có bến bãi tạm giữ phương tiện thủy…
Trước thực trạng đó, đoàn kiểm tra liên ngành đã đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiên quyết giải tỏa các bãi tập kết cát sỏi hoạt động trái phép; tăng cường kiểm tra, giám sát việc đình chỉ hoạt động, có biện pháp xử lý, giải tỏa những phương tiện gia dụng có hoạt động đưa đón khách tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự, an toàn tại các địa phương. Xử lý triệt để, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với những bến thủy nội địa, bến khách ngang sông không có giấy phép hoạt động do cơ quan chức năng cấp, không đủ điều kiện hoạt động theo quy định mà vẫn đưa vào hoạt động, vi phạm hành lang an toàn, bảo vệ luồng lạch an toàn giao thông đường thủy.
Quang HưngTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.