Thái Nguyên: Tăng cường phát triển kinh tế tập thể
Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tập thể, từ năm 2021 UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025. Đề án này là cơ sở tiền đề để phát triển toàn diện khu vực kinh tế tập thể (KTTT), mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX).
Theo đó mục tiêu của Đề án là hằng năm, thành lập mới 100 tổ hợp tác trở lên và từ 20 đến 25 HTX, trong đó ít nhất có 15 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng, phát triển và hoàn thiện mô hình HTX kiểu mới điển hình tiên tiến bền vững ở các địa phương.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, các địa phương gồm: Thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên, huyện Đồng Hỷ, huyện Võ Nhai, huyện Đại Từ, huyện Phú Lương, huyện Phú Bình xây dựng được từ 3 đến 4 mô hình; thành phố Sông Công và huyện Định Hóa xây dựng từ 2 đến 3 mô hình, hoạt động hiệu quả, có sức lan tỏa…
Trong những năm qua, khu vực kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên đã có những chuyển biến tích cực, số lượng và chất lượng HTX ngày càng tăng, hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực, thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường; khẳng định vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế, từng bước nâng cao mức sống của thành viên. Các HTX từng bước đổi mới về tổ chức và hoạt động, đội ngũ cán bộ quản lý HTX dần được trẻ hóa, năng động, có trình độ chuyên môn, mạnh dạn trong tổ chức và quản lý HTX.
Hiện nay hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nhất là HTX nông, lâm nghiệp đã giải quyết việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động nông thôn, đáp ứng tốt các nhu cầu của thành viên, từng bước xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, để hướng đến liên kết sản xuất giữa các hộ gia đình và vẫn đảm bảo tính chủ động của kinh tế hộ gia đình; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự ở nông thôn và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ phát triển. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức liên quan còn chưa được quan tâm đúng mức; công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, HTX còn nhiều bất cập.
Năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý HTX còn hạn chế. Phần lớn các tổ chức KTTT, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền; giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; khả năng cạnh tranh với các khu vực kinh tế khác còn yếu. Mô hình HTX kiểu mới theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự mạnh. Hoạt động xúc tiến thương mại chưa có nhiều đổi mới; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện phát triển kinh tế tập thể, mới đây Chi Cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền, tư vấn về phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2023.
Mục đích của các lớp tập huấn này nhằm bồi dưỡng, nâng cao tay nghề và kỹ thuật sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp chủ lực ( tập trung vào các sản phẩm chè) cho thành viên và người lao động của hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp. Tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tư vấn hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Từ lâu Thái Nguyên được mệnh danh là miền quê "Đệ nhất danh trà" với các vùng chè nổi tiếng như chè Tân Cương, chè La Bằng, chè Trại Cài, chè Khe Cốc. Chè Thái Nguyên thơm ngon không chỉ chắt lọc tinh túy của một vùng đất đắc địa dưới sườn non Tam Đảo bên dòng sông Cầu, sông Công và mặt nước hồ xanh huyền thoại Núi Cốc, mà còn bởi sự cẩn thận, tỉ mỉ, tinh tế của người làm chè trong tất cả các khâu: Chọn giống, gieo trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến.
Với mục tiêu nâng tầm giá trị kinh tế, văn hóa và thương hiệu trà Thái Nguyên, trong chương trình tập huấn năm 2023, Chi Cục phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung tổ chức các lớp tập huấn quy trình trồng, chăm sóc, chế biến các sản phẩm chè theo hướng hữu cơ, an toàn cho các đơn vị kinh doanh, sản xuất, chế biến các sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Thông qua các buổi tập huấn các học viên sẽ được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về kỹ thuật chăm sóc, sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm chè Thái Nguyên.
Giờ đây, người ta không chỉ nói đến việc làm ra sản phẩm chè ngon, mà còn nhắc nhau phải làm chè sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đậm đà hương vị truyền thống. Đó còn là việc doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và nước ngoài gặp gỡ, trao đổi và ký kết được nhiều hợp đồng kinh tế. Trên thực tế trong những năm qua nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến các vùng chè Thái Nguyên để khảo sát, cam kết đầu tư cho nông dân sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư cây giống, phân bón, chế biến và bao tiêu sản phẩm chè qua kênh các siêu thị bán chè an toàn.
Thái Nguyên hiện có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước với trên 22 ngàn ha, tổng sản lượng đạt 260 ngàn tấn chè tươi, doanh thu sau chế biến đạt trên 10.400 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có 23.500ha chè, 85% diện tích giống mới, giá trị bình quân đạt 350 triệu đồng/ha.
Quang HưngTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.