Thái Nguyên: Tập huấn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý sử dụng đất

Địa phương
06:59 PM 30/06/2023

Ngày 30/6, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến 9 điểm cầu các huyện, thành phố với tổng số hơn 1.000 cán bộ, đảng viên tham gia.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Thái Nguyên có ông Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh.

Thái Nguyên: Tập huấn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý sử dụng đất - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đã thông tin đến đại biểu kết quả Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.

Theo đánh giá, sau 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trước đây. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực sự là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Hội nghị tập huấn có ý nghĩa hết sức quan trọng, thiết thực, đáp ứng đúng với tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Thông qua các chuyên đề tại Hội nghị sẽ trang bị, cập nhật những kiến thức chung, cơ bản, những kinh nghiệm thực tiễn từ công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra phát hiện và xử lý sai phạm, vi phạm trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phòng chống, ngăn chặn những hành vi sai phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực và giải pháp phòng ngừa; nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên đối với công tác tham mưu, thực thi trong công tác này, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đại biểu tham dự tập huấn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu tài liệu, tập trung lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các nội dung tập huấn; tích cực trao đổi, thảo luận những vấn đề còn băn khoăn, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để được các đồng chí báo cáo viên giải đáp...

Thái Nguyên: Tập huấn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý sử dụng đất - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra (Thanh tra Chính phủ) trình bày Chuyên đề 1.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra (Thanh tra Chính phủ) trình bày Chuyên đề 1: Những sai phạm, vi phạm phổ biến được phát hiện, xử lý qua thanh tra, kiểm tra công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Thái Nguyên: Tập huấn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý sử dụng đất - Ảnh 3.

Thượng tá, PGS.TS Phạm Tiến Dũng, Trưởng Khoa Cảnh sát kinh tế, Học viện Cảnh sát nhân dân trình bày Chuyên đề 2.

Tiếp đó, Thượng tá, PGS.TS Phạm Tiến Dũng, Trưởng Khoa Cảnh sát kinh tế, Học viện Cảnh sát nhân dân trình bày Chuyên đề 2: Công tác điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án có liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; kinh nghiệm và giải pháp phòng ngừa.

Thế Lợi
Ý kiến của bạn
Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030 Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030

Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.