Thái Nguyên: Tập huấn triển khai dự án BEST và công nghệ khí hoá sinh khối
Ngày 22/8, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS) tổ chức Hội nghị tập huấn Phát triển bền vững các làng nghề tỉnh Thái Nguyên gắn với ứng dụng công nghệ xanh - khí hóa sinh khối liên tục theo thể tích (VCBG) trong chế biến nông sản và phát triển mô hình kinh tế tập thể (KTTT), HTX.
Tham gia Hội nghị tập huấn có trên 200 đại biểu là các thành viên thuộc Hiệp hội làng nghề tỉnh, các HTX, tổ hợp tác (THT), thành viên các HTX, THT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe giới thiệu tổng quan về dự án BEST. Đồng thời, được phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX; giới thiệu về quỹ hỗ trợ phát triển HTX, quy trình tín dụng, đối tượng và điều kiện cho vay; hướng dẫn thủ tục, hồ sơ vay vốn tại quỹ; hướng dẫn hồ sơ tín dụng cho các cơ sở có nhu cầu tiếp cận công nghệ VCBG tại địa phương. Ngoài ra, các đại biểu còn được trực tiếp xem trình diễn công nghệ VCBG trong chế biến nông sản.
Đây là hoạt động được tổ chức theo thỏa thuận hợp tác giữa tổ chức Oxfam tại Việt Nam; Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên và Trung tâm CCS trong việc triển khai dự án BEST - biến rác thải thành năng lượng và ứng dụng công nghệ xanh - khí hóa sinh khối liên tục theo thể tích trong chế biến nông sản để phát triển bền vững các làng nghề tại tỉnh Thái Nguyên.
Dự án BEST do Liên minh châu Âu tài trợ được thực hiện trong 4 năm (từ 2020 - 2024) do tổ chức Oxfam tại Việt Nam quản lý và phối hợp thực hiện cùng Trung tâm CCS triển khai tại các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang và Yên Bái.
Mục tiêu của Dự án là thúc đẩy chế biến nông sản bền vững và góp phần quản lý chất thải ở Việt Nam thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông sản siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn ứng dụng công nghệ khí hóa sinh khối như một nguồn năng lượng tái tạo.
Công nghệ khí hóa sinh khối sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có như mùn cưa, thân vỏ cây, vỏ lá cây nhằm tạo ra nguồn năng lượng sạch để chế biến thực phẩm, nông sản. Công nghệ này mang lại nhiều ưu điểm như: Hiệu suất nhiệt cao; nguồn nguyên liệu sẵn có, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường và xử lý rác thải tại các vùng nông thôn.
Hội nghị tập huấn được tổ chức nhằm tuyên truyền và giới thiệu về dự án BEST và công nghệ VCBG trong các làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, nâng cao nhận thức và kiến thức cho các thành viên Hiệp hội làng nghề tỉnh, các HTX, THT, thành viên các HTX, THT về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX và vai trò của HTX trong việc bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống.
Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.