Thái Nguyên: Tập trung phát triển cây chè theo hướng hữu cơ, an toàn

Địa phương
05:49 PM 14/03/2022

Thái Nguyên được biết đến là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển cây chè, với truyền thống kinh nghiệm sản xuất, chế biến chè qua nhiều năm, cùng thổ nhưỡng phù hợp là điều kiện lý tưởng để Thái Nguyên mở rộng diện tích cây chè.

Những cái tên như chè Tân Cương, chè Khe Cốc, chè La Bằng, chè Trại Cài từ lâu đã trở thành thương hiệu và gần gũi với những người đam mê chè từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên trên thực tế các sản phẩm chè của Thái Nguyên chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Để đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về việc phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030 trong đó cây chè đóng vai trò quan trọng trong Nghị quyết này.

photo-1647246869836

Sản phẩm chè Đinh thượng hạng của Công ty CP Chè Thái Nguyên

Theo đó cây chè là cây chủ lực để phát triển kinh tế nông nghiệp, tập trung sản xuất các sản phẩm chè theo hướng GAP, hữu cơ, an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao, phát huy các nguồn lực để tăng diện tích cây chè tại các huyện có lợi thế như Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, thành phố Thái Nguyên. Đến năm 2025 diện tích chè đạt 23.000 ha, 80% diện tích chè sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ. Đến năm 2030 diện tích chè đạt 24.000 ha, 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ. 100% các sản phẩm chè do các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã với nông hộ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có thương hiệu riêng.

Tỉnh ủy Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, trong đó tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, có ưu thế vượt trội, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất giống. Bên cạnh đó nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ, quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững, sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ môi trường. Một trong những giải pháp mang tính đột phá đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp chế biến, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.

Công nghệ chế biến là khâu đột phá, quyết định đến chất lượng sản phẩm, chính vì vậy để sản phẩm chè của Thái Nguyên vươn ra thị trường thế giới, cạnh tranh được với các sản phẩm chè khác, từ nay đến năm 2030 Thái Nguyên sẽ tập trung ưu tiên phát triển các dự án công nghiệp chế biến chè theo hướng hữu cơ an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong nước và thế giới.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái nguyên có 52 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 230 làng nghề, sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm chè, các đơn vị doanh nghiệp này đang giữ vai trò chủ đạo trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè Thái Nguyên.

Với diện tích chè như hiện nay tổng sản lượng chè của Thái Nguyên đạt 244.502 tấn với giá trị gần 6000 tỷ đồng, trung bình 1ha chè đạt 270 triệu đồng, tuy nhiên để thương hiệu chè Thái Nguyên phát triển bền vững thì Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các thương hiệu cho các sản phẩm chè chủ lực, tìm kiếm thị trường, xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như Festival trà, hội trợ triển lãm, các lễ hội quảng bá…

Khi đó giá trị sản phẩm chè của Thái Nguyên sẽ được nâng lên một tầm cao mới mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ trồng chè tiếp tục sản xuất theo hướng chuyên sâu đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường.

Quang Hưng
Ý kiến của bạn
Băng phủ đỉnh Fansipan ngày đầu năm Băng phủ đỉnh Fansipan ngày đầu năm

Sáng sớm ngày 5/1, đỉnh Fansipan - "nóc nhà Đông Dương" - lại một lần nữa xuất hiện băng giá, đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp hiện tượng này diễn ra.