Thái Nguyên: Triển lãm "Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam"

Địa phương
09:47 AM 14/05/2022

Nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022), 75 năm Bác Hồ về ATK - Định Hóa, Thái Nguyên (1947 - 2022) lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, 35 năm UNESCO vinh danh "Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất", BQL Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa đã phối hợp với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức triển lãm "Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam".

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã dừng chân tại nhiều địa điểm ở các vùng lãnh thổ khác nhau. Đến nay, không chỉ Việt Nam, mà trên thế giới đã có rất nhiều di tích, tượng đài, khu tưởng niệm,... về Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện lòng kính yêu của đồng bào Việt Nam và sự kính trọng của bè bạn năm châu đối với biểu tượng Hồ Chí Minh.

Thái Nguyên:  Trưng bày triển lãm " Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam". - Ảnh 1.

Nhà thờ Bác Hồ trên đỉnh đèo De (huyện Định Hóa)

Triển lãm được chia làm 2 phần, phần 1 là các di tích liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch tại Việt Nam trước năm 1969 bao gồm: ảnh tư liệu, pano, khái quát chặng đường đi tìm ánh sáng cách mạng, giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ bến cảng Nhà Rồng đến ngày đọc bản tuyên ngôn độc lập lịch sử tại Quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945. Cũng tại triển lãm này Ban tổ chức sẽ trưng bày những hiện vật, hình ảnh, pano quãng thời gian 15 năm từ (1954 - 1969) Bác sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch.

Phần 2 của Triển lãm mang tựa đề "ATK Định Hóa, Thái Nguyên - Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng". Khái quát những năm tháng không thể nào quên trong cuộc trường chinh kháng chiến chống thực dân Pháp của Bác Hồ và Trung ương Đảng. Từ ATK - Định Hóa đến chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ được thể hiện qua những hình ảnh và hiện vật tư liệu giúp người xem có được cái nhìn tổng quát về cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp của dân tộc ta.

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về cõi vĩnh hằng, tưởng nhớ những đóng góp vĩ đại của Người đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thể theo nguyện vọng của toàn thể nhân dân muốn được lưu giữ những kỷ vật của Người, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã cho phép khôi phục các khu lưu niệm, xây dựng các nhà trưng bày bổ sung di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Trên tinh thần đó, một số địa phương có di tích lưu niệm về Người đã thành lập Ban phụ trách và tổ chức mở cửa đón khách tham quan như: Khu Di tích Pác Bó, tỉnh Cao Bằng; Khu Du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang; Di tích 48 Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội và Khu Di tích Kim Liên, tỉnh Nghệ An...

Khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, việc nghiên cứu, sưu tầm các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh được quan tâm đặc biệt. Nhiều di tích tiếp tục được khôi phục và giới thiệu tới công chúng như: Nhà ông Nguyễn Sĩ Độ, ở Thừa Thiên Huế - nơi gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống những năm đầu thế kỷ XX; Khu Di tích Trường Dục Thanh, Phan Thiết, Bình Thuận - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân và dạy học (1910); Khu Lưu niệm Nhà Rồng - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (1911); Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tỉnh Đồng Tháp...

Quang Hưng
Ý kiến của bạn