Thái Nguyên: Trồng rừng thay thế góp phần bảo tồn đa dạng sinh học

Địa phương
05:11 PM 19/07/2023

Những năm gần đây, công tác trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác luôn được UBND tỉnh Thái Nguyên quan tâm, chỉ đạo; diện tích 3 loại rừng đảm bảo độ che phủ ổn định, góp phần hạn chế lũ lụt, giảm xói mòn đất, điều tiết nguồn nước, bảo vệ môi trường.

Triển khai thực hiện Thông tư số 13 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; đôn đốc các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế. Điều kiện để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là chủ dự án phải có phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác, với diện tích trồng rừng thay thế ít nhất bằng diện tích rừng chuyển sang mục đích khác được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc chứng từ nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.

Thái Nguyên:  Trồng rừng thay thế góp phần bảo tồn đa dạng sinh học - Ảnh 1.

Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng (thứ 2 từ trái sang) Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên kiểm tra trồng rừng tại huyện Định Hoá

Thực hiện quy định của pháp luật về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, từ năm 2015 đến năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cho UBND tỉnh giao, các đơn vị chủ động tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, kết quả trồng rừng thay thế với tổng diện tích là 554,5 ha rừng phòng hộ, đặc dụng với số vốn đã thực hiện giải ngân là 14.508 triệu đồng.

Các đơn vị tổ chức trồng rừng thay thế với các loài cây bản địa có tác dụng phòng hộ bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, sạt lở đất cao do có tán lá rậm, hệ rễ phát triển và khả năng chống chịu gió bão tốt, nhất là trong bối cảnh thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp như mưa to, bão lớn, lũ lụt, sạt lở đất, nắng hạn kéo dài,… đồng thời còn có giá trị về kinh tế, bảo tồn đa dạng sinh học góp phần nâng cao chất lượng rừng, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững như: Lim xanh, Lát hoa, Giổi xanh... Toàn bộ diện tích rừng trồng thay thế được các Ban quản lý rừng, hộ gia đình, cá nhân tổ chức chăm sóc và quản lý bảo vệ chặt chẽ, đảm bảo các biện pháp kỹ thuật được phê duyệt.

Để mở rộng diện tích trồng rừng thay thế, tạo sinh kế và thu nhập ổn định cho các hộ dân trồng rừng, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, tập trung nâng cao chất lượng rừng và hiệu quả kinh tế rừng theo chức năng của từng loại rừng trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng tăng tỷ lệ giống có năng suất, chất lượng và giá trị kinh kế cao; kéo dài chu kỳ kinh doanh và chuyển kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. 

Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững theo quy định; thu hút doanh nghiệp có năng lực đầu tư chế biến lâm sản theo hướng hiện đại, sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Hình thành vùng trồng Quế tập trung tại huyện Định Hóa, huyện Võ Nhai; xây dựng một số mô hình sản xuất, chế biến Quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ để tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị cao tiến tới xuất khẩu. Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

                                                                                                                                   

Quang Hưng
Ý kiến của bạn