Thái Nguyên: Ủy ban KHCNMT của Quốc hội làm việc với Công ty Núi Pháo
Ngày 15/5, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) của Quốc hội đã có buổi làm việc tại Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo) để tiến hành khảo sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của Công ty Núi Pháo tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Đoàn công tác của Ủy ban KHCNMT của Quốc hội do ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn.
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Núi Pháo đã giới thiệu với Đoàn công tác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác bảo vệ môi trường và tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Qua đó, đại diện Công ty Núi Pháo cho biết: Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại mỏ Núi Pháo luôn gắn với bảo vệ môi trường và được thực hiện đồng bộ. Công ty đầu tư nhiều công trình bảo vệ môi trường hiện đại để thu gom, xử lý toàn bộ lượng nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường; đồng thời tái sử dụng nước nhằm tiết kiệm tài nguyên.
Cụ thể, năm 2022, 7,3 triệu m3 nước được tuần hoàn, chiếm khoảng 81% tổng lượng nước sử dụng. Nguồn nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt, nước mưa chảy tràn… tại mỏ Núi Pháo được thu gom vào các hồ chứa, sau đó bơm về xử lý tại Trạm xử lý nước thải tập trung công suất 36.000 m3/ngày đêm.
Các trạm quan trắc nước thải được lắp đặt và truyền số liệu tự động về Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên. Việc quản lý tổng hợp chất thải rắn được ưu tiên áp dụng, bao gồm phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý cuối cùng, với mục tiêu tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty Núi Pháo đã đầu tư lớn cho các dự án phục hồi, cải tạo môi trường mỏ và vùng phụ cận. Toàn bộ các khu vực bãi thải, khu vực đã thu hồi đất được tiến hành trồng cỏ, trồng cây. Tính đến hết năm 2022, công ty đã trồng cây và cải tạo phục hồi môi trường trên diện tích 59,58ha.
Thực hiện việc giám sát công tác bảo vệ môi trường ở mỏ Núi Pháo, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên nhiều lần tổ chức kiểm tra, đánh giá tác động môi trường tổng thể cũng như chi tiết đối với từng hạng mục.
Kết quả đánh giá cho thấy, Công ty Núi Pháo là một trong những đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên làm tốt công tác bảo vệ môi trường; thể hiện trên nhiều lĩnh vực, bao gồm tuân thủ pháp luật môi trường, kiểm soát các loại chất thải, bụi, khí và cải tạo, phục hồi môi trường.
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Núi Pháo đề nghị Ủy ban KHCNMT của Quốc hội kiến nghị Chính phủ xem xét lại Quyết định 1640 quy định về phương pháp tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để không gây ra thiệt hại đối với doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích các công ty đầu tư công nghệ vào hoạt động khai thác khoáng sản và chế biến sâu như Công ty Núi Pháo.
Với dự án mở rộng moong khai thác, Công ty Núi Pháo cũng mong muốn Ủy ban KHCNMT của Quốc hội xem xét, ủng hộ chủ trương để Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan liên quan phê duyệt dự án.
Đối với Dự án xây dựng Nhà máy tái chế Vonfram, Công ty đề nghị Ủy ban KHCNMT của Quốc hội kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép công ty được nhập khẩu phế liệu Vonfram nhằm đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho Dự án, hướng tới phát triển sản xuất xanh và bền vững.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Đoàn công tác đã khảo sát một số khu vực hoạt động, quy mô và sự đầu tư bài bản của Công ty Núi Pháo. Qua báo cáo của Công ty Núi Pháo và khảo sát thực tế, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng đoàn công tác đánh giá: Công ty Núi Pháo đã chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ cho buổi làm việc, với tính chuyên nghiệp, khoa học trên tinh thần cầu thị, tiếp thu các ý kiến của thành viên trong Đoàn công tác.
Đồng thời ghi nhận việc chấp hành nghiêm túc pháp luật về bảo vệ môi trường của đơn vị. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, trao đổi, Đoàn công tác sẽ tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, đóng góp của Công ty Núi Pháo để báo cáo với Quốc hội nghiên cứu, xem xét tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong thẩm quyền.
Thế LợiDự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.