Thái Nguyên Khi Nghị quyết Đại hội Đảng lan tỏa vào cuộc sống

Chính trị - xã hội
05:26 PM 15/01/2021

Năm 2020 khép lại với nhiều sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đây là năm tiến hành đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp, cũng là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 – 2020. Mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19, song Thái Nguyên vẫn hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH với những con số ấn tượng.

Trước thềm Xuân Tân Sửu 2021, ông Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên, đã có cuộc trả lời phỏng vấn Doanh nghiệp và Tiếp thị về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX và triển khai thực hiện một số vấn đề trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Tỉnh ủy Thái Nguyên.

PV: Xin ông đánh giá tổng quan kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX

Ông Phạm Hoàng Sơn: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự điều hành quyết liệt của các cấp chính quyền, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với Nghị quyết, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp. Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 238 nghìn tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 90 dự án, tốc độ tăng bình quân giá trị xuất khẩu 5 năm 2016 - 2020 đạt trên 10,8%/năm.

Thái Nguyên
Khi Nghị quyết Đại hội Đảng lan tỏa vào cuộc sống
 - Ảnh 1.

Ông Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên

Thật đáng mừng, Thái Nguyên là một trong 4 tỉnh có giá trị xuất khẩu cao nhất cả nước, thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt trên 15.608 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2015. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư nâng cấp. Diện mạo của tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc; tỷ lệ đô thị hóa (tỷ lệ dân số khu vực thành thị) đạt trên 32%, toàn tỉnh có 108 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 10 tiêu chí và 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Thái Nguyên đều tăng qua các năm gần đây và đứng trong tốp 20 tỉnh cao nhất cả nước, như năm 2019, Thái Nguyên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố cả nước và tăng 6 bậc so với năm 2018.

Quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh chính trị được bảo đảm. Trật tự, an toàn xã hội được giữ vững và ổn định, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Hoạt động của chính quyền và đoàn thể các cấp có những chuyển biến tích cực. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,82%, vượt kế hoạch.

 PV: Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như thế nào?

Ông Phạm Hoàng Sơn: Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên luôn xác định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Xuất phát từ thực tiễn, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh được tăng cường thực thi trên các phương diện: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trong đó, các cấp ủy Đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc học tập, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bồi dưỡng về lý luận chính trị cán bộ, đảng viên và nhân dân; tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng. Đồng thời tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định của Đảng về nêu gương; trong đó nhấn mạnh nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đổi mới và hoàn thiện hệ thống công vụ, bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả và liêm chính.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, thực hiện đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng, Đảng viên. Triển khai thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và tinh giản biên chế theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII bước đầu đạt được kết quả tích cực: giảm 30 đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; 99 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập và giảm gần 200 cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên; giảm số biên chế và số người hưởng lương ngân sách nhà nước so với nhiệm kỳ trước theo quy định nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, chủ động, bám sát yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị; các khâu trong công tác cán bộ được triển khai thực hiện đồng bộ theo kế hoạch, quy trình, quy định, quy chế cụ thể, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đúng quy định của pháp luật. Công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ được chú trọng, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng, chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy và cấp trên. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp ủy Đảng đã tiến hành kiểm tra, giám sát đối với 7.434 tổ chức Đảng và 5.409 đảng viên, giám sát chuyên đề đối với 924 tổ chức Đảng và 301 đảng viên. Theo đó, đã phát hiện và thi hành kỷ luật đối với 18 tổ chức Đảng, 488 đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát đã chủ động giáo dục, phòng ngừa, đấu tranh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật Đảng, giúp cấp ủy đánh giá đúng những ưu điểm, khuyết điểm của tổ chức Đảng và đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận. Kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" thành các quy chế, quy định để triển khai thực hiện. Tăng cường tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh để kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh tại cơ sở...

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng. Phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các cơ quan nội chính, kiểm tra, giám sát của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng. Thực hiện điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật, thu hồi tối đa tài sản đã bị chiếm đoạt.

 PV: Thái Nguyên được biết đến là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển KT-XH. Theo đó Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XX đã xác định: Đẩy mạnh phát triển toàn diện lĩnh vực công nghiệp đến năm 2025. Vậy tỉnh Thái Nguyên đã có những giải pháp cụ thể nào để thực hiện mục tiêu trên?

Ông Phạm Hoàng Sơn: Với những tiềm năng, cơ hội trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, xác định đẩy mạnh phát triển toàn diện lĩnh vực công nghiệp đến năm 2025 với chỉ tiêu đặt ra là giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân từ 9%/năm trở lên.

Để đạt được mục tiêu trên, Thái Nguyên đã và đang tập trung thực hiện toàn diện những giải pháp sau: Tận dụng các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, công nghiệp sạch, sản xuất hàng xuất khẩu. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khôi phục và phát triển các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm ngành công nghiệp trong một số ngành công nghiệp ưu tiên. Phát triển ngành xây dựng đủ sức thiết kế, thi công các công trình xây dựng trong các lĩnh vực theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có chính sách thu hút đầu tư hiện đại hóa ngành xây dựng, sử dụng vật liệu mới, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ xây dựng hiện đại. Tích cực thực hiện chuyển đổi số Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

PV: Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thái Nguyên sẽ thực hiện những giải pháp gì để tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp

Ông Phạm Hoàng Sơn: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX đã đề ra mục tiêu và định hướng phát triển trong nhiệm kỳ 2020-2025 là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tập trung rèn luyện kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đạo đức công vụ. Đồng thời xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác xây dựng chính quyền các cấp như sau:

Đổi mới nội dung hoạt động của Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng công tác ban hành nghị quyết, chất vấn, giải trình, tiếp xúc cử tri, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri... Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý điều hành của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; đẩy mạnh phân cấp quản lý giữa các cấp, các ngành, gắn với kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, thi hành kỷ luật. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân…

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Nâng cao hiệu quả phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân và doanh nghiệp. Thực hiện cải cách tài chính công hiệu quả, thực chất; quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực thuộc địa phương quản lý.

Tiếp tục thực hiện sắp xếp các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, liêm chính, uy tín, năng lực, tận tụy phục vụ Nhân dân; đổi mới phương pháp tuyển dụng, quản lý và sử dụng công chức theo hướng thiết thực, hiệu quả; xây dựng cơ chế thu hút người có tài năng, năng lực vượt trội về công tác trong các cơ quan của tỉnh.

Xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ và hành động. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh thực hiện chính quyền điện tử, triển khai xây dựng đô thị thông minh; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tập trung đầu tư để xây dựng hình thành 3 đô thị thông minh; đến năm 2030, trên 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; có trên 3.000 doanh nghiệp số... Tích cực thực hiện chuyển đổi số nhằm bảo đảm mục tiêu kép là vừa phát triển chính quyền số, hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số, đồng thời xây dựng định hướng chiến lược thu hút, phát triển các doanh nghiệp số có năng lực, uy tín và có khả năng tạo ra các giá trị kinh tế cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài.

PV : Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quang Hưng (thực hiện)
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.