Thái Nguyên: Phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái
Đã từ lâu Thái Nguyên được biết đến với các sản phẩm chè Tân Cương nức tiếng, tuy nhiên còn nhiều sản phẩm chè ngon nổi tiếng của Thái Nguyên không kém cạnh gì so với trà Tân Cương như chè La Bằng của huyện Đại Từ, chè Khe Cốc của huyện Phú Lương và chè Trại Cài của huyện Đồng Hỷ, bốn sản phẩm chè này đã làm nên thương hiệu " Tứ đại danh trà" của Thái Nguyên.
Để phát triển các làng nghề chế biến chè, nâng cao giá trị sản phẩm chè Thái Nguyên gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, Chi Cục phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện dự án " Phát triển làng nghề chè gắn với du lịch sinh thái". Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ phát triển tổ chức sản xuất tại các làng nghề chè gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương, ứng dụng đồng bộ công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh chè gắn với thúc đẩy phát triển các hoạt động trải nghiệm văn hóa trà. Nâng cao năng suất, giá trị chất lượng sản phẩm chè, đồng thời tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giúp bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Thái Nguyên là vùng đất có nhiều làng nghề được hình thành từ rất sớm, tạo nên những nét đặc trưng riêng. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các làng nghề đã đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế xã hội , nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đưa ngành du lịch của địa phương phát triển ngày một đa dạng. Tính đến 30/6/2024, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 277 làng nghề, làng nghề truyền thống. Trong đó có 249 làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất, chế biến chè. Huyện Đại Từ, huyện Đồng Hỷ và TP.Thái Nguyên là những địa phương có diện tích trồng chè lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó huyện Đại Từ có tổng diện tích chè lớn nhất với quy mô trên 6.400 ha (chiếm 30 % diện tích toàn tỉnh), có 14 làng nghề, 39 làng nghề truyền thống sản xuất chè, 17 hợp tác xã trong làng nghề sản xuất kinh doanh chè. Huyện Đồng Hỷ có tổng diện tích chè hơn 3.800 ha, có 04 làng nghề, 36 làng nghề truyền thống sản xuất chè, 22 hợp tác xã trong làng nghề chuyên sản xuất kinh doanh chè.
Được thiên nhiên ưu đãi, tỉnh Thái Nguyên có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để phát triển diện tích chè và tạo ra những sản phẩm trà thơm ngon nổi tiếng, có tiềm năng nổi bật về du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với văn hóa trà. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư đồng bộ máy móc, thiết bị ứng dụng công nghệ cao trong các khâu sản xuất chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm để sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, phát triển sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mở rộng quy mô nhà xưởng, khu trưng bày giới 3 thiệu sản phẩm, thiết kế không gian thưởng trà, khu lưu trú, phát triển các hoạt động dịch vụ tham quan, trải nghiệm.......nhằm mục tiêu vừa sản xuất, chế biến, vừa quảng bá rộng rãi thương hiệu sản phẩm chè và thu hút du khách tham quan trong và ngoài nước.
Ông Triệu Văn Cương, Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết: Mô hình kết hợp giữa sản xuất, chế biến chè gắn với du lịch sinh thái trong các làng nghề tạo điều kiện cho người dân khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế sẵn có, có sự trao đổi, tương tác giữa người sản xuất và người tiêu dùng, tạo sự tin tưởng, hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm chè, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ các hoạt động tham quan, trải nghiệm của du khách và thông qua các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội....sẽ giúp các làng nghề nông thôn giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm chè hiệu quả nhất. Từ đó các làng nghề nông thôn sẽ thu hút bình quân từ 800 - 1.000 lượt khách tham quan trong năm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, dự kiến tăng doanh thu bình quân 7 - 10 %/năm.
Hằng năm, nhiều cơ sở ngành nghề nông thôn đã đón hàng nghìn lượt khách tới tham quan, trải nghiệm để tìm hiểu về lịch sử văn hóa trà, quy trình sản xuất, chế biến chè... giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng doanh thu, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Việc phát triển sản xuất chè gắn với mô hình du lịch sinh thái, nông thôn đã góp phần nâng cao giá trị chất lượng, thương hiệu sản phẩm chè Thái Nguyên, đây không chỉ là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh mà đang từng bước trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo ra lợi thế cạnh tranh để thu hút du khách. Nhận rõ vị trí, vai trò của cây chè và văn hóa trà trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tỉnh Thái Nguyên xác định phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà là nhiệm vụ trọng tâm, từng bước được đầu tư, khai thác, thúc đẩy phát triển các hoạt động du lịch trải nghiệm gắn với văn hóa trà.
Thời gian qua UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển làng nghề, phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất đối với cây chè (sản phẩm nông nghiệp chủ lực) hoạt động sản xuất, kinh doanh chè đã có bước phát triển đáng kể nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, quy mô diện tích và sản lượng chè tăng nhanh nhưng chất lượng chè chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn như: Tỷ lệ các cơ sở sản xuất ứng dụng máy móc công nghệ cao, hiện đại vào khâu chế biến, đóng gói, bảo quản cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn thấp; chưa đa dạng hóa các loại sản phẩm từ cây chè (vẫn chủ yếu là chè búp khô); các doanh nghiệp, hợp tác xã còn thiếu nguồn lực đầu tư về cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị công nghệ cao vào sản xuất, chế biến cũng như chưa có sự đầu tư cho các hoạt động phục vụ tham quan, trải nghiệm; thiếu sự liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi...
Việc triển khai dự án " Phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái" của Chi Cục phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp quan tâm đầu tư đến du lịch sinh thái, tạo thành chuỗi sản phẩm liên kết khép kín, từng bước đưa sản phẩm du lịch nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Quang HưngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.