Thẩm phán Mỹ chặn lệnh cấm tải ứng dụng TikTok của ông Trump

Quốc tế
09:43 AM 28/09/2020

Một thẩm phán ở Washington đã tạm thời ngăn chính quyền Tổng thống Donald Trump thực thi lệnh cấm tải ứng dụng TikTok ở Mỹ - vốn dự kiến có hiệu lực từ ngày 27/9.

Theo Nikkei, Thẩm phán Carl Nichols của Tòa án quận Columbia, Mỹ đã đưa ra phán quyết vào tối 27/9. Phán quyết chấp thuận đề nghị của công ty sở hữu TikTok, ByteDance, chỉ 3,5 tiếng trước thời điểm lệnh cấm dự kiến có hiệu lực.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã bổ nhiệm ông Nichols làm thẩm phán liên bang vào tháng 6/2019.

Thẩm phán Mỹ tạm thời chặn lệnh cấm cửa hàng ứng dụng TikTok - Ảnh 1.

Thẩm phán Mỹ tạm thời chặn lệnh cấm cửa hàng ứng dụng TikTok. Ảnh: Nikkei

Bộ Thương mại Mỹ ban đầu ấn định lệnh cấm ứng dụng TikTok được tải xuống ở Mỹ vào ngày 20/9. Bộ này viện dẫn tuyên bố của Tổng thống Trump rằng TikTok là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Để tránh lệnh cấm, TikTok đã đàm phán trong nhiều tháng để đạt được thỏa thuận với công ty công nghệ Mỹ nhằm xoa dịu những lo ngại về an ninh quốc gia. Đầu tháng này, TikTok đã đạt được thỏa thuận với Oracle và Walmart để tạo ra một công ty mới, TikTok Global, trong đó các công ty Mỹ sẽ cùng sở hữu 20% cổ phần. ByteDance ban đầu sẽ sở hữu 80% cổ phần còn lại. Các công ty không nêu chi tiết cách họ sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.

Bộ Thương mại Mỹ đã trì hoãn lệnh cấm đến ngày 27/9 sau khi ông Trump chấp thuận sơ bộ thỏa thuận chuyển quyền sở hữu TikTok của ByteDance cho Oracle và Walmart.

Tuy nhiên, các công ty đã công khai bất đồng về việc công ty Mỹ sẽ sở hữu bao nhiêu cổ phần trong TikTok Global. Điều đó khiến ông Trump nói ông có thể sẽ không thông qua thỏa thuận nếu Oracle không có quyền kiểm soát TikTok, theo New York Times.

"Nếu chúng tôi nhận thấy họ không có toàn quyền kiểm soát, chúng tôi sẽ không thông qua thỏa thuận", ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn vào trên chương trình Fox & Friends.

TikTok, trong đơn đề nghị tòa án đưa ra lệnh hoãn vào tuần trước, cáo buộc Tổng thống Trump cấm ứng dụng này vì "những toan tính chính trị liên quan cuộc bầu cử sắp tới" thay vì lo ngại an ninh quốc gia.

TikTok cũng cho rằng lệnh cấm vi phạm quyền của ứng dụng trong Tu chính án thứ năm và quyền tự do ngôn luận của người dùng trong Tu chính án thứ nhất.

Các luật sư của chính phủ Mỹ, trong phản hồi đệ trình lên tòa ngày 25/9, lập luận TikTok không chứng minh được lệnh cấm ngày 27/9 sẽ gây ra "tổn hại không thể khắc phục" cho hoạt động kinh doanh của công ty.

Lệnh cấm tải ứng dụng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của TikTok. Trong đơn gửi tòa án, các giám đốc điều hành TikTok nói tốc độ tăng trưởng của công ty đã tăng vọt trong vài năm qua, với hơn hai tỷ lượt tải ứng dụng. Kể từ khi tin tức về việc cấm ứng dụng ở Mỹ bắt đầu lan truyền, các nhà quảng cáo đã rút khỏi TikTok, làm giảm doanh thu của công ty.

Xuân Bách
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.