Tháng 11, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh

Tài chính - Đầu tư
08:51 AM 18/12/2020

Tháng 11 đã cho thấy được sự hồi phục trở lại trong giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp và nhóm tổ chức tín dụng tiếp tục vượt nhóm bất động sản, trở thành nhân tố dẫn đầu về tỉ trọng giá trị phát hành.

Tháng 11, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh

Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có báo cáo tổng hợp tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tháng 11/2020.

Theo đó, tính đến hết tháng 11, năm 2020, đã có 2.311 đợt đăng ký phát hành TPDN riêng lẻ, trong đó có 1.970 đợt phát hành thành công với tổng giá trị phát hành thành công đạt 348,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 68,5% tổng giá trị đăng ký. Số doanh nghiệp phát hành thành công là 237 doanh nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp đã phát hành thành công 185 triệu USD TPDN ra thị trường quốc tế.

Riêng trong tháng 11/2020, có 16 doanh nghiệp đăng ký 43 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp. Tổng giá trị đăng ký phát hành là 17.900 tỷ đồng.

Tháng 11, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Trong đó, giá trị phát hành thành công đạt 10.600 tỷ đồng, chiếm 59,1% tổng giá trị đăng ký phát hành. Như vậy, mức tăng so với tháng 10 là 1.100 tỷ đồng, tương đương 11,6%.

Về cơ cấu phát hành, số liệu của HNX cho thấy nhóm doanh nghiệp có quy mô phát hành lớn nhất là các tổ chức tín dụng, chiếm 49,75%, với kỳ hạn phát hành bình quân là 4,51 năm. Theo sau là các công ty bất động sản (chiếm 32,8%) và doanh nghiệp chứng khoán (1,45%).

Đồng thời, trong tháng 11, có một doanh nghiệp đã phát hành thành công 30 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế với kỳ hạn 5 năm.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, động lực chính của sự tăng trưởng này là tác động của Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát hành ra công chúng.

Bên cạnh đó, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thắt chặt nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu sẽ đáp ứng được nhu cầu vốn này, thậm chí là mục đích cơ cấu nợ của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay.

Tuy nhiên, mới đây, cơ quan quản lý tiền tệ đã đưa ra dự thảo thông tư siết hoạt động mua bán trái phiếu của ngân hàng nhắm tới hoạt động cơ cấu nợ của doanh nghiệp, trong đó quy định các ngân hàng không được tham gia mua trái phiếu trong trường hợp phát hành này.

Dự thảo mới cũng siết một số quy định trong hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng như chỉ được mua trái phiếu khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; không được mua trái phiếu của doanh nghiệp có phát sinh nợ xấu 12 tháng gần nhất; không được mua trái phiếu phát hành có mục đích góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác…

Trước đó, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 3 quý đầu năm đã ghi nhận con số cao kỷ lục so với những năm trước, đạt 324.668 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2019. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đang tăng trưởng khá nhanh, hiện đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN khi quy mô đạt 13% GDP.

Nhật Anh
Ý kiến của bạn