Tháng 5 âm lịch, không thể bỏ qua Lễ Vía Linh Sơn Thánh Mẫu linh thiêng tại núi Bà, Tây Ninh
Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu thu hút hàng ngàn người ở khắp các tỉnh thành khu vực phía Nam và đông đảo du khách trong, ngoài nước tìm về.
Nếu như đền Hùng có ngày Giỗ Tổ, đền Trần có lễ Khai ấn, Đền Bà Chúa Kho có lễ “vay tiền, xin lộc” đầu năm, thì ở miền Nam, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu là ngày lễ quan trọng nhất đối với người dân Nam bộ. Mỗi năm, có hàng ngàn Phật tử và du khách thập phương tìm đến núi Bà Đen vào những ngày đầu tháng 5 âm lịch, để tham dự lễ Vía Bà Đen và tỏ lòng tôn kính với Linh Sơn Thánh Mẫu - một tượng đài tâm linh trong tâm thức người Nam bộ.
Chị Phạm Thị Hoà (Q.3 - TP.HCM) cho biết: “Hầu như năm nào đến 5/5 âm lịch tôi cũng thu xếp thời gian để đến núi Bà Đen tham dự Lễ Vía Bà. Đây không chỉ là dịp tưởng nhớ và cảm ơn công đức của Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát, mà còn để cảm nhận luồng linh khí trên ngọn núi thiêng, cầu Bà ban cho sức khỏe, an bình và tài lộc”.
Là ngày hội lớn nhất và quan trọng nhất đối với người Tây Ninh nói riêng và người Nam bộ nói chung, Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu khắc hoạ trọn vẹn diện mạo tín ngưỡng thờ mẫu truyền thống của vùng đất Đông Nam Bộ, cũng như đời sống tâm linh của người dân nơi đây.
Năm nay, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu sẽ được tổ chức vào ngày 21, 22, 23/6 (tức ngày 4, 5, 6/5 âm lịch) tại khu vực quần thể các chùa núi Bà. Lễ vía là sự kết hợp hài hoà giữa nghi thức Phật giáo và dân gian, trong đó nghi thức quan trọng nhất là “Trình thập cúng” hay còn gọi là “Hiến thập cúng”, tức dâng cúng mười món lễ vật.
Thông qua các câu kinh tiếng kệ mang ý nghĩa giác ngộ, giải thoát, lễ Vía Bà sẽ hướng các Phật tử và du khách thập phương đến tấm lòng tri ân và tâm thức an yên. Bên cạnh đó, các chương trình nghệ thuật đậm sắc màu tín ngưỡng Nam bộ tại Lễ Vía cũng sẽ mang tới cho du khách những trải nghiệm tâm linh độc đáo.
Trong tâm thức của người dân Nam bộ, Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát chính là vị thần bảo hộ của người dân, là biểu tượng của đời sống tín ngưỡng, là chỗ dựa tâm linh vững chắc với lòng từ bi phổ độ chúng sinh. Có rất nhiều truyền thuyết về núi Bà Đen được kể lại qua các thế hệ, nhưng tất cả đều khắc hoạ Linh Sơn Thánh Mẫu như một nữ thần chủ của ngọn núi linh thiêng, nơi người dân đến để “cầu được ước thấy”.
Hiện diện cả trong tín ngưỡng dân gian lẫn trong Phật giáo, Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát được phối thờ trong các chùa ở Tây Ninh với vai trò là một vị hộ trì Tam Bảo. Trong đó, núi Bà Đen là nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu lớn nhất với một hệ thống chùa, miếu, động từ dưới chân núi lên lưng chừng núi.
Hiện nay, tại núi Bà Đen có 6 ngôi chùa, đều thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, trong đó có Linh Sơn Tiên Thạch Tự là ngôi chùa cổ nhất với tuổi đời 300 năm. Ngay bên cạnh Linh Sơn Tiên Thạch Tự là Điện Bà – điện thờ được dựng nên từ một hang đá với bức tượng Bà Đen mặt đen bằng ngọc ở vị trí cao nhất. Có thể thấy, Bà Đen đã “hiển linh” khắp vùng núi, nơi nào có cơ sở thờ tự là nơi đó mặc nhiên có sự hiện diện của Thánh Mẫu Bà Đen.
Với người dân Nam bộ, Lễ Vía Bà năm nay không chỉ là dịp viếng thăm, đảnh lễ tại hệ thống các chùa núi Bà, tỏ lòng tôn kính của Linh Sơn Thánh Mẫu, mà còn là cơ hội để hành hương đến ngọn núi linh thiêng, chiêm bái các quần thể công trình tâm linh trên đỉnh núi. Anh Trần Hoàng (Hà Nội) cho biết: “Tôi đang rất mong chờ đến ngày Lễ Vía Bà để có thể đến bái Bà, cầu bình an, sức khỏe, tài lộc cho gia đình. Hơn nữa, nghe nói gần đây, núi Bà mới được hồng phúc là nơi an vị Ngọc xá lợi Thích Ca Mâu Ni thiêng liêng từ Ấn Độ, thế nên đây cũng sẽ là dịp để chúng tôi được chiêm bái Phật ngọc linh thiêng trên đỉnh núi, cầu xin phước lành cho cả nhà”.
Kéo dài trong suốt 3 ngày, Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu dự đoán sẽ đón hàng ngàn Phật tử và du khách thập phương đến chiêm bái, đảnh lễ. Hiện, ngoài quần thể các chùa Núi Bà linh thiêng, với không gian đỉnh núi bạt ngàn cây hoa xanh mướt cùng với Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn và khu triển lãm Phật giáo quy mô dưới chân tượng, núi Bà Đen đang là đến chiêm bái và ngoạn cảnh hấp dẫn bậc nhất tại khu vực Nam bộ.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.