Tháng 5 nhớ Bác Hồ và con đường đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin

Chính trị - xã hội
02:33 PM 17/05/2021

Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ vị trí người dân của một dân tộc nô lệ, một đất nước không có tên riêng trên bản đồ thế giới. Người nông dân không có đất để trồng lúa, người công nhân bị bóc lột thậm tệ trong các nhà máy, công xưởng và đồn điền. Vua quan thì sống co mình trong nhung lụa, vàng son… không dám xả thân để bảo vệ giang sơn, xã tắc.

Tháng 5 nhớ Bác Hồ và con đường đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin - Ảnh 1.

Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) tại Đại hội Tour

Đất nước Việt Nam từ ngàn năm Đinh, Lý, Trần, Lê đã có truyền thống đánh giặc ngoại xâm, nhiều phen đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Nhưng với một đội quân xâm lược mạnh về kinh tế, hiện đại về vũ khí như thực dân Pháp lúc bấy giờ thì triều đình nhà Nguyễn rất khó đối đầu. Cuối cùng phải nhường đất đai và làm tay sai cho chúng, hệ lụy dẫn đến đất nước Việt Nam gần một trăm năm mịt mù trong màn đêm nô lệ.

Lúc còn thơ ấu, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã sớm tiếp cận với các trí thức yêu nước. Khi ra nước ngoài, Bác phải tự lao động, tự học để sống, để làm việc. Với tấm lòng nhân ái, bao dung và với trí tuệ thiên tài, Bác đi đến bất cứ đất nước nào từ Châu Á, Châu Phi, Châu Âu, Châu Mĩ… đều được tiếp cận và gần gũi những nhân vật quan trọng của quốc gia đó. Từ một người dân bình thường mà đã được các nhân vật quan trọng ở các nước phương Tây, nhất là Pháp quan tâm và giúp đỡ. Điều đó chứng tỏ những người nổi tiếng lúc bấy giờ đã nhìn rất rõ ở Nguyễn Ái Quốc có một tia sáng khác thường! Một con người bình dị nhưng rất lịch thiệp và luôn luôn mưu cầu hạnh phúc cho những người cần lao.

Khởi điểm xuống tàu xuất dương năm 1911, đến ngày 18/1/1919, Bác Hồ đã gửi bản yêu sách ký tên Nguyễn Ái Quốc đến Hội nghị hòa bình ở Véc-Xây. Đây là một hội nghị lớn tập trung một số nguyên thủ quốc gia như Hoa Kì, Anh, Ý… Bản yêu sách là tiếng nói đanh thép của một thanh niên Việt Nam yêu nước, yêu công lý, yêu chuộng hòa bình đòi thực dân Pháp từ bỏ những thủ đoạn thâm độc đang thống trị trên đất nước Việt Nam.

Bản yêu sách đã được viết ra nhiều thứ tiếng gửi tới các vị trưởng đoàn của hội nghị. Như vậy, lần đầu tiên tại một nước thuộc địa nô lệ ở Châu Á đã có một bản "cáo trạng" tố cáo chế độ thực dân Pháp tại Hội nghị hòa bình gồm 27 nước tham dự, như một "tiếng sét" nổ ngay trên đất Pháp. Tiếng sét đó góp phần quan trọng vào phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa, nhất là ở Đông Nam Á. Từ đó, những nhà lãnh đạo của phong trào cộng sản quốc tế hay các thế lực đế quốc chủ nghĩa đều biết đến Nguyễn Ái Quốc, một nhân vật quan trọng của lịch sử nhân loại, và đó cũng là tiền đề để Bác tiếp cận, nghiên cứu và đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Ước mơ đó đã trở thành sự thật! Ngày 17/7/1920 Bác Hồ đã tiếp nhận được Luận cương của Lê-nin: "…Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc/ Hạnh phúc là đây cơm áo đây rồi…". Từ đó Luận cương của Lê-nin là cơ sở lí luận khoa học để Bác áp dụng vào con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Cũng từ đó, Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản Việt Nam đầu tiên xuất hiện trên chính trường quốc tế và cũng là "cái gai" trong con mắt của các thế lực áp bức bóc lột ở các thuộc địa.

Năm 1924, Bác Hồ đến với đất nước Cách mạng Tháng Mười Nga, đất nước của Lê-nin, một thiên tài của nhân loại. Nhưng chưa gặp được Lê-nin thì Người đã mất…! Bác đau đớn khôn nguôi và cảm nhận Lê-nin mất không những là một tổn thất lớn cho phong trào cộng sản quốc tế, mà còn ảnh hưởng đến cách mạng Việt Nam. Nhưng một thời gian sau Bác đã có dịp gặp Crupxkaia, người giúp việc đắc lực và là người bạn đời chung thủy của Lê-nin cùng với các đồng chí của Lê-nin, tất cả như một động lực lớn để Người bước tiếp con đường đã chọn.

Năm 1925, với tư cách là một nhà hoạt động của phong trào cộng sản quốc tế, Bác Hồ đã đến Trung Quốc và đã gặp Nhà cách mạng Tôn Trung Sơn và Tống Khánh Linh (vợ của Tôn Trung Sơn), thời gian này Bác mang tên là Lý Thụy. Cũng trong thời điểm này, cùng với các đồng chí của mình, Bác đã thành lập "Thanh niên cách mạng đồng chí hội", một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thanh niên cách mạng đồng chí hội đã đào tạo được rất nhiều hạt nhân của cách mạng trở về hoạt động trên ba miền của Việt Nam. Ngày 3/2/1930, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, Hội nghị thống nhất Đảng họp tại Cửu Long (Hồng Kông) đã ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam. Dù trải qua biết bao gian lao tù đày, nhưng Bác Hồ kính yêu của chúng ta đều vượt qua.

Một vấn đề đáng quan tâm, đó là vận nước cũng như hồng phúc cho dân tộc Việt Nam là dù những ngày Bác ngồi trong xà lim, nhưng con người và trái tim vĩ đại của Người đã được vợ chồng luật sư Lô-Dơ-Bai cứu khỏi xà lim án chém. Bác lại tiếp tục con đường đi và trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến ngày toàn thắng.

Khi sang Pháp tham dự Hội nghị Phôngtennơlô với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam, có một nhà báo Pháp hỏi Bác: "Liệu ông có phải là cộng sản không?", Bác trả lời ngay: "Tôi là học trò của Các Mác". Nói chuyện về chiến tranh ở Đông Dương với nhà báo Xcô-en-brân phóng viên tờ Nữu Ước thời báo, Bác đã lấy hình ảnh "chiến đấu" giữa con Voi và con Cọp: "Nếu con Cọp đứng yên thì sẽ bị con Voi dùng ngà đập chết. Nhưng nếu con Cọp không đứng yên, náu mình trong rừng vào ban ngày và hiện ra vào ban đêm, nó sẽ chồm lên lưng và xé xác con Voi và sau đó lại biến mất vào rừng rậm. Con Voi sẽ chảy máu cho đến chết. Đó là cuộc chiến tranh ở Đông Dương". 

Đường lối chiến tranh nhân dân của Người đã đánh bại hai đội quân viễn chinh hùng mạnh nhất nhì thế giới, đó là Pháp và Mỹ. Con đường đấu tranh gian khổ để đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin là con đường chân chính duy nhất mà Bác Hồ đã chọn để giải phóng dân tộc Việt Nam và góp phần to lớn vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Tháng 5/2021

Dương Chí Sỹ
Ý kiến của bạn