Tháng 6 và hành trình “về nguồn” tại ATK Định Hóa
Hướng tới kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), ngày 17/6, cán bộ, phóng viên, nhân viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã có chuyến “về nguồn” đầy ý nghĩa tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa.
Rời Hà Nội từ lúc trời còn mờ sương, chúng tôi tiến về "Thủ đô gió ngàn" trong tâm trạng háo hức, phấn khởi. Đến TP Thái Nguyên, tiếp tục men theo những cung đường quanh co với nhiều khúc ngoặt cua tay áo, những dải đồi uốn lượn tuyệt đẹp ven đường, chúng tôi tiến về Định Hóa. Đất trời tháng 6 xanh trong như tô thắm thêm vẻ đẹp kỳ vỹ riêng có của miền đất lịch sử này.
Hơn 10 giờ sáng, chúng tôi đến điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình "về nguồn" tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc. Nơi đây, hơn 73 năm về trước, vào ngày 21/4/1950, đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam); nơi có những ký ức hào hùng của kháng chiến và có những tư liệu tái hiện về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
Đón đoàn chúng tôi, đồng chí Nguyễn Bảo Lâm - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên - bày tỏ sự trân trọng với những tình cảm nồng hậu dành cho cán bộ, phóng viên, nhân viên Tạp chí. Đồng chí Bảo Lâm đã cùng ôn truyền thống xây dựng, trưởng thành của Hội Nhà báo Việt Nam; hướng dẫn chúng tôi thăm quan Nhà trưng bày của Hội Nhà báo Việt Nam - nơi lưu giữ những kỷ vật, bức ảnh về các hoạt động Hội qua các thời kỳ, từ khi thành lập đến nay.
Cảm ơn những tình cảm chân thành của Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Phùng Xuân Lâm - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị - bày tỏ tình cảm chân thành của cán bộ, phóng viên Tạp chí đối với nơi khởi nguồn của Hội. Đồng chí Phùng Xuân Lâm khẳng định, hành trình "về nguồn" là hoạt động mang nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ cán bộ, hội viên Chi hội Nhà báo Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, từ đó, để các Hội viên càng thêm tự hào về truyền thống lịch sử của Hội Nhà báo Việt Nam.
Rời xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, đoàn chúng tôi tiếp tục tới chân đèo De, thuộc xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, ghé thăm "Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Tỉn Keo". Di tích này là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong những năm từ 1948 đến cuối 1953. Tại đây, ngày 06/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy - Bộ Tổng Tư lệnh, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến thắng lợi, làm nên một kỳ tích "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Tại "Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Tỉn Keo", đoàn chúng tôi đã được đồng chí Nguyễn Bảo Lâm - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên - cùng các cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý các di tích lịch sử ATK Định Hóa chia sẻ những câu chuyện xúc động, để hiểu đúng và rõ hơn điều kiện sống, làm việc của Bác và Trung ương Đảng khi ở ATK Định Hóa.
Chúng tôi không chỉ được tham quan lán Tỉn Keo - căn lán đơn sơ, nơi nhiều năm về trước, Hồ Chủ tịch chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị; mà còn được ngắm lán trại nơi 08 chiến sỹ bảo vệ, giúp việc Bác là "Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi" (do Người đặt tên) từng ở trong những năm Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ họp và chỉ đạo, bàn kế hoạch tác chiến; được ngắm nhìn cây hoa râm bụt Bác trồng năm xưa, nay vẫn trổ hoa đỏ thắm trước cửa căn lán.
Đứng tại lán Tỉn Keo, phóng tầm mắt ra xa, còn thấy được khung cảnh núi rừng hùng vĩ, như một bức tường bao vững chắc để bảo vệ "chiến khu". Dạo quanh những bậc thềm bằng đất cạp bởi cây tre và dây mây rừng, rảo bước xuống con đường hầm thoát xuống chân đồi, ngắm xa xa là bản làng với những ngôi nhà sàn chênh vênh bên dòng suối, núp sau những rặng tre,... Chúng tôi cảm nhận một cảnh sắc bình dị mà thật thơ mộng, như muốn nói rằng, những tháng ngày ở Tỉn Keo năm nào, Bác Hồ của chúng ta đã dành tình yêu thật nhiều cho thiên nhiên, cỏ cây hoa lá.
Điểm dừng chân thứ ba và cũng là điểm cuối trong hành trình "về nguồn" của chúng tôi là "Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh" nằm trên đỉnh đèo De, ở xã Phú Đình. Đây là "trái tim" của ATK Định Hóa. Nơi có hệ thống công trình gồm tứ trụ, tam quan, nhà dâng hương tưởng niệm và trưng bày các hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh... Nơi đây, người dân các dân tộc thiểu số Định Hóa quen gọi là "Đền thờ Bác Hồ".
Tại "Đền thờ Bác Hồ", đồng chí Phùng Xuân Lâm - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã thay mặt đoàn, thành kính dâng nén hương thơm cùng lẵng hoa tươi thắm, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đến Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc, Người đã hiến dâng cả đời mình cho nền độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Các cán bộ, phóng viên, nhân viên Tạp chí đã dành một phút mặc niệm tưởng niệm, thầm hứa với Bác sẽ không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực cao nhất thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng các cấp.
Chúng tôi nguyện rằng, dù trong bất kỳ điều kiện, tình huống nào, dù khó khăn thử thách đến đâu, vẫn sẽ luôn trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, phát huy truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc mà các thế hệ cha anh đi trước đã dày công vun đắp, góp phần công sức xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác dặn.
Về thăm ATK Định Hóa trong những ngày tháng 6 này, trong lòng chúng tôi dâng lên niềm biết ơn và tự hào về lãnh tụ Hồ Chí Minh, về "Thủ đô gió ngàn" và lịch sử hào hùng của dân tộc. Từ chuyến đi ý nghĩa này, cán bộ, phóng viên, nhân viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị nguyện sẽ tiếp tục giữ vững "bút sắc, lòng trong, tâm sáng", phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại.
Một số hình ảnh trong chuyến "về nguồn":
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.