Tháng 6 và hành trình về xứ Nghệ

Xã hội
10:50 AM 01/07/2020

Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thiết thực kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cuối tháng 6 vừa qua, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức cho cán bộ, phóng viên trong tòa soạn “về nguồn” tại Nghệ An, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, người đã khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam...

Cán bộ, phóng viên tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị chụp ảnh lưu niệm tại làng Hoàng Trù quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hành trình từ trái tim

Vốn là những phóng viên từng đặt chân tới hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, vậy mà với chuyến đi này, chúng tôi vẫn thấy háo hức, hồi hộp lạ thường. Từ sâu trong tâm thức mỗi người, ai nấy đều náo nức mong muốn được trở về quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, “người Anh cả” của nền báo chí nước nhà. 

Dưới cái nắng chói chang mùa hạ, từ trụ sở tòa soạn, chúng tôi rời xa sự náo nhiệt của phố phường, bắt đầu hành trình về với Nghệ An. Đi dọc dải “đất lửa” xứ Thanh - xứ Nghệ, nơi gắn liền với những chiến công hiển hách trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, mỗi chúng tôi mang trong mình một xúc cảm riêng. 

Những chiêm nghiệm về lịch sử, về thực tại khiến mỗi người đều có cảm nhận sâu sắc về ý nghĩa chuyến đi, về trách nhiệm mỗi cá nhân phải phấn đấu nhiều hơn trong công việc, để mang lại những tác phẩm báo chí thiết thực, đóng góp vào sự phát triển của nền báo chí nước nhà.

Hội ngộ Văn phòng miền Trung

Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình về nguồn của chúng tôi là ghé thăm Văn phòng đại diện Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị tại miền Trung. Trong cuộc trò chuyện ấm áp, chân tình giữa lãnh đạo Tạp chí và cán bộ, phóng viên ở đây, Phó Tổng Biên tập Nhữ Thúy Hương Quỳnh đã ghi nhận những đóng góp của cán bộ, phóng viên Văn phòng trong thời gian qua. 

Đoàn cán bộ, phóng viên tạp chí về thăm Văn phòng đại diện tại miền Trung.

Phó Tổng Biên tập tin tưởng rằng, trong thời gian tới, tập thể cán bộ, phóng viên Văn phòng sẽ tiếp tục hoạt động tác nghiệp theo đúng tôn chỉ mục đích của Tạp chí; kịp thời phản ánh đa dạng thông tin bằng các bài viết sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, góp phần tích cực vào sự phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Trưởng Văn phòng đại diện miền Trung Trần Triều Nguyệt đã thay mặt cán bộ, phóng viên Văn phòng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tòa soạn trong thời gian qua. Ông khẳng định, cán bộ phóng viên Văn phòng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng bài viết, nỗ lực đóng góp vào sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị.

Ấm áp nghĩa tình Diễn Thành - Diễn Châu

Rời Thành phố Thanh Hóa, đoàn chúng tôi về với mảnh đất Diễn Thành (Diễn Châu - Nghệ An). Tháng 6, đất và trời Diễn Thành kiêu hãnh thắp lên màu đỏ chói ngời của phượng vĩ, hòa cùng vũ điệu của nắng gió, cát trắng và biển xanh. Khách sạn Hoa Biển lung linh trong sắc hoa và ấm áp những nụ cười thân thiện của người dân miền biển chào đón chúng tôi với đằm thắm nghĩa tình xứ Nghệ.

Cán bộ, phóng viên tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị chụp ảnh lưu niệm trong 
đêm Gala kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Trong đêm Gala kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam diễn ra ngay sau đó, cán bộ, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã vinh dự được chào đón, giao lưu với đoàn đại biểu lãnh đạo địa phương, gồm ông: Hà Xuân Quang - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Diễn Châu; ông Cao Đức Thắng - Phó Thường trực Ban Tuyên giáo Huyện ủy Diễn Châu; cùng các ông, bà đại diện lãnh đạo, đại diện các cơ quan đoàn thể địa phương.

Thay mặt cán bộ, phóng viên Tạp chí, Tổng Biên tập Hoàng Xuân Lâm đã có những lời cảm ơn chân thành và chúc quê hương Diễn Thành - Diễn Châu đạt nhiều thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tổng Biên tập mong muốn rằng, tình cảm gắn bó giữa cán bộ, phóng viên Tạp chí và quê hương Nghệ An sẽ mãi mãi ấm áp và bền chặt.

Chia sẻ với cán bộ, phóng viên Tạp chí, Tổng Biên tập Hoàng Xuân Lâm cho biết: Cách đây 95 năm, ngày 21/6/1925, báo Thanh Niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Kể từ đó, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và trên cương vị người đứng đầu đất nước, Bác Hồ đã viết hàng nghìn bài báo, mỗi bài báo của Bác là một bài học sâu sắc cho cán bộ và nhân dân ta học tập. Bác đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và vì thế Bác luôn coi hoạt động báo chí là hoạt động cách mạng. 

Trước những giá trị lịch sử nói trên, Tổng Biên tập Hoàng Xuân Lâm mong muốn cán bộ, phóng viên trong tòa soạn nhận thức được sứ mệnh của người làm báo, phấn đấu trở thành những nhà báo có “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”.

Lắng đọng cảm xúc trên quê hương Bác

Tạm biệt Diễn Thành - Diễn Châu, chúng tôi về với quê hương Nam Đàn. Với hành trình này, mỗi chúng tôi đều lâng lâng xúc cảm trào dâng khi lần đầu tiên đặt chân đến quê hương của Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc.

Trời Nam Đàn trong xanh vời vợi, những đóa sen vươn cao thơm ngát quyện vào không gian ngập tràn hương lúa. Chúng tôi vào Khu Di tích Kim Liên, thành kính thắp hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và người thân của Người, thăm làng Sen quê nội và làng Hoàng Trù quê ngoại của Bác. 

Qua lời kể hết sức truyền cảm của hướng dẫn viên về cuộc đời của Bác và chứng kiến những khung cảnh đơn sơ, giản dị nơi Bác chào đời, nơi Bác sống những năm tháng ấu thơ, cảm xúc của mỗi chúng tôi đều dâng lên khó tả. Có gì đó vô cùng gần gũi, thân thương, tự hào, thành kính về một cuộc đời, một nhân cách Hồ Chí minh giản dị mà vĩ đại gợi lên trong sâu thẳm trái tim chúng tôi.

Tổng Biên tập Hoàng Xuân Lâm; Phó Tổng Biên tập Nhữ Thúy Hương Quỳnh cùng cán bộ, phóng viên Tạp chí 
tại đền Chung Sơn, đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại núi Chung, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn.

Hành trình về nguồn càng về cuối càng trở nên hấp dẫn hơn khi chúng tôi được đến dâng hương tại đền Chung Sơn - đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được khành thành tại núi Chung, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Đây là một công trình có ý nghĩa hết sức đặc biệt, thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân xứ Nghệ và đồng bào cả nước để tưởng nhớ, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình Bác.

Thành kính thắp hương tại đây, Tổng Biên tập Hoàng Xuân Lâm nhắc nhở mỗi cán bộ, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị cần vun đắp tình cảm cách mạng, tình yêu quê hương đất nước cho bản thân mình, đồng thời phải luôn luôn ghi nhớ cội nguồn lịch sử và trân quý, giữ gìn, tiếp nối những giá trị truyền thống tốt đẹp và nỗ lực rèn luyện, học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Rời đền Chung Sơn, đoàn chúng tôi tiếp tục đến dâng hương tại chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) một thắng cảnh bậc nhất về văn hóa lịch sử của miền đất Bắc Trung Bộ. Tại đây, chúng tôi được ngắm nhìn quang cảnh đất trời từ đỉnh Thăng Thiên, từ đó có thể phóng tầm mắt nhìn thấy non nước trùng điệp, thấy được dòng sông Lam uốn lượn, núi Hồng Lĩnh, núi Thiên Nhẫn... bát ngát cả một khung trời kiêu hãnh của miền đất xứ Nghệ.

Nắng tháng 6 vẫn đổ lửa trên những cung đường chúng tôi qua. Gió Lào vẫn rát bỏng khiến da mặt ai cũng như đang hầm hập như trong cơn sốt nhẹ. Vậy nhưng, chúng tôi đều vô cùng say mê trước những vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng. Trên đường về, hình ảnh của những cung đường đi dạo ven biển rất riêng của Diễn Thành, Cửa Lò; hương sen và mùi bùn đất của Nam Đàn quện trên tóc, trên áo mỗi người cứ theo mãi chúng tôi, gợi nhớ mãi về một xứ sở của gió Lào rát bỏng...

Ghi chép của Nguyễn Hạnh
 

Ý kiến của bạn