Tháng đầu tiên năm 2024, số lượng dự án FDI mới tăng 24,2%

Tài chính - Đầu tư
09:30 AM 28/01/2024

Tính từ 1/1/2024 đến ngày 20/01/2024, có 190 dự án FDI mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 24,2% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD (tăng 66,9% so với cùng kỳ).

Ngay từ những ngày đầu năm 2024, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam FDI đã có tín hiệu khởi sắc. Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh và GVMCP giảm thì vốn đầu tư đăng ký mới vẫn tăng mạnh.

Tháng đầu tiên năm 2024, số lượng dự án FDI mới tăng 24,2%- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, có 190 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 24,2% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD (tăng 66,9% so với cùng kỳ); có 75 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 15,7% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 235,4 triệu USD (giảm 23,1% so với cùng kỳ); có 174 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 14,7% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 116,5 triệu USD (giảm 33,1% so với cùng kỳ).

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư đăng ký mới tháng 01/2024 tăng mạnh so với cùng kỳ do tăng số lượng dự án mới (tăng 24,2%) và có dự án có quy mô vốn đầu tư lớn (hơn 600 triệu USD).

Có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong tháng 01/2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư, tăng 72,8% so với cùng kỳ 2023; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 297 triệu USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ; tiếp theo là Sa-moa, Trung Quốc, Hồng Kông,…

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 35 tỉnh, thành phố trên cả nước trong tháng 01 năm 2024. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 867 triệu USD, chiếm 36,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 282 triệu USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai,…

Vốn đầu tư của Hà Nội tăng mạnh do có dự án đầu tư mới lớn với tổng vốn đầu tư hơn 662 triệu USD với mục tiêu đầu tư dự án khu đô thị mới ở Hà Nội.

Nếu xét về số dự án, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 42,1%) và GVMCP (chiếm 78,2%). Bắc Ninh dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 16%).

Theo các chuyên gia của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), trong những năm gần đây, Việt Nam đã là thành viên của nhiều Hiệp định Thương mại song và đa phương có quy mô lớn. Vị trí địa lý thuận lợi cùng các điều khoản về Hiệp định Thương mại với các nền kinh tế lớn mạnh sẽ tiếp tục duy trì sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các doanh nghiệp FDI.

Thêm vào đó, làn sóng chuyển dịch sản xuất ra khỏi một số nền kinh tế lớn được củng cố. Điều này bắt nguồn từ nỗ lực mang tính chiến lược nhằm phòng ngừa rủi ro chính trị đang ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp thận trọng hơn về chuỗi cưng ứng và muốn phòng ngừa rủi ro bằng cách tìm kiếm nguồn cung từ nhiều quốc gia khác đặc biệt là từ Việt Nam - nơi có ưu thế về vị trí địa lý, nhân công dồi dào cũng như vị thế địa chính trị.

Việt Nam đã có một năm kỷ lục về vốn FDI đăng ký và giải ngân. Năm 2024 dự báo tiếp tục là một năm kỷ lục nữa khi vị thế về địa chính trị, trung tâm sản xuất tăng lên rõ rệt.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn