Thanh Hóa: 50 doanh nghiệp được xóa nợ
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có quyết định về việc xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 50 đối tượng nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức có địa chỉ đăng ký hoạt động, kinh doanh trên địa bàn TP Thanh Hoá.
Lý do xoá nợ là người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội.
Khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội nêu: Người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.
Theo đó, căn cứ các quy định và theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Thanh Hoá, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá quyết định xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 50 người nộp thuế (là doanh nghiệp, tổ chức) còn nợ trước ngày 1/7/2020, với tổng số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là gần 480 triệu đồng.
Một số doanh nghiệp, tổ chức có trong danh sách được xoá nợ như: Công ty TNHH TM & DV ăn uống Hải Hoàng (phường Điện Biên, TP Thanh Hoá); Công ty TNHH Mỹ Kim (phường Phú Sơn, TP Thanh Hoá); Công ty TNHH xây dựng Đức Hưng Thịnh (phường Đông Hương, TP Thanh Hoá)…
Quyết định cũng nêu rõ, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Thanh Hoá chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu và các thông tin của hồ sơ xoá nợ. Căn cứ vào số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xoá nợ, Chi cục thuế khu vực thành phố Thanh Hoá – Đông Sơn điều chỉnh số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế của người nộp thuế…
Vũ QuỳnhDự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.