Thanh Hóa: Ấm áp tình người trong các khu phong tỏa
Trong những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã có nhiều việc làm tốt, hình ảnh đẹp, ý nghĩa trong các khu vực phong tỏa khiến mọi người không khỏi xúc động.
Ghi nhận tại các chốt kiểm soát dịch Covid - 19 trên địa phường Ngọc Trạo trong những ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16, các chốt đều đã hoạt động 24/24 giờ, kiên quyết không bỏ sót, để lọt các trường hợp có yếu tố nguy cơ vào địa bàn phường mà không được kiểm soát. Qua quan sát hầu hết người dân đều đồng tình và tuân thủ các quy định khi đi qua chốt kiểm soát.
Theo ông Nguyễn Hữu Đại, Chủ tịch UBND phường Ngọc Trạo: "Mặc dù phải làm việc với cường độ cao, trong điều kiện thời tiết nắng mưa thất thường, lại đứng trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn nhưng lực lượng chức năng đã phát huy vai trò, trách nhiêm, kiên trì túc trực tại các chốt kiểm soát, bảo vệ khu vực phong tỏa, bảo đảm an ninh trật tự và các quy định về giãn cách xã hội."
Xuất phát từ tinh thần mong muốn được chia sẻ bớt những khó khăn, vất vả của lực lượng tuyến đầu tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19, nhóm thiện nguyện Phúc Lâm đã tổ chức Chương trình "Triệu bữa cơm tấm lòng người xứ Thanh" cùng vào bếp nấu những suất cơm "0 đồng" gửi đến các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn TP Thanh Hóa. Mỗi ngày, nhóm sẽ trao đến các chốt 4 lần (trong đó có 2 bữa ăn phụ sáng, tối và 2 bữa ăn chính là trưa và chiều). Để đảm bảo dinh dưỡng, thực đơn món ăn phù hợp, phong phú và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhóm thiện nguyện đã đấu mối với nhà hàng lẩu Dì Béo (số 66, Ngô Quyền, phường Điện Biên) chịu trách nhiệm nấu ăn, lên món hàng ngày. Riêng nguồn thực phẩm, nhóm đã kêu gọi tài trợ từ Công ty TNHH Phú Gia, Công ty sữa tươi 36. Những hỗ trợ thiếu yếu này, góp phần động viên lực lượng các chốt hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cũng vào những ngày đầu phong tỏa, người dân phường Ngọc Trạo khá hoang mang, lo lắng. Trong phường có nhiều hộ gia đình khó khăn, nhiều người thuê trọ là công nhân, sinh viên bị mắc kẹt tại nhà trọ, không kịp hoặc không đủ tích trữ lương thực, thực phẩm nên gặp không ít khó khăn. Nhưng, nhiều ngày trôi qua, nhận được sự giúp đỡ, viện trợ, tiếp tế lương thực thực phẩm của người nhà và các nhà hảo tâm, với sự nỗ lực của cả chính quyền, lực lượng tăng cường và tình nguyện viên nhiệt tình, có tâm, cuộc sống của họ đã dần ổn định. Đa số mọi người đều chấp hành tốt quy định và bắt đầu quen dần với cuộc sống "ai ở đâu ở yên đó".
Nhiều đơn vị, quần chúng nhân dân đã kịp thời hỗ trợ, động viên các trường hợp khó khăn trong khu phong tỏa, điển hình Công ty Than Thanh Hóa hỗ trợ 30 triệu đồng; Công ty Sông Chu ủng hộ 10 triệu đồng; Công ty Huy Hoàng ủng hộ 1 tấn gạo và một số nhu yếu phẩm. Nhiều cá nhân cũng đã chung tay hỗ trợ nhiều nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ gia đình trong khu vực bị phong tỏa tạm thời.
Bên trong khu vực phong tỏa, người dân đều chấp hành nghiêm túc yêu cầu phòng chống dịch, nhà ai ở yên nhà nấy. Bên ngoài khu vực phong tỏa, các thành viên Tổ hậu cần tất bật hơn nhiều khi họ đảm nhận việc "đi chợ" giúp người dân.
Chị Lê Thị Thủy, số nhà 81 Thôi Hữu - một trong những người thường xuyên nhờ Tổ hậu cần phòng, chống dịch bệnh COVID19 mua thực phẩm giúp cho biết: Khi có quyết định phong tỏa, gia đình tôi chưa kịp mua thực phẩm để dự trữ. Nhờ có các chị em trong Tổ hậu cần đi chợ giúp nên gia đình tôi đã có đủ thực phẩm để đảm bảo sinh hoạt trong những ngày qua. Gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và cảm thấy ấm lòng vì không bị bỏ lại phía sau.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, thành viên tổ hậu cần chia sẻ: "Mỗi ngày các tổ viên đi chợ vào hai khung giờ là 8 giờ 30 phút đến 9 giờ 30 và 15 giờ đến 16 giờ để mua được đồ tươi ngon. Những ngày đầu, TP Thanh Hóa thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm đóng cửa, một số chợ ngưng hoạt động, các chợ còn lại thì lượng thực phẩm khá ít do nhiều tiểu thương vùng khác không thể đến chợ bán buôn được. Công việc quá tải so với nguồn nhân lực của Tổ hậu cần, nhưng chị em vẫn nỗ lực hết sức để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân".
Tại phố Ngô Từ, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa kể từ khi bị phong tỏa, vợ chồng ông Nguyễn Quang Vinh cũng như những người dân trong tổ dân phố đều chấp hành nghiêm túc, triệt để mọi quy định của chính quyền. "Chúng tôi ở trong nhà cả ngày. Chính quyền, tổ dân phố đều quan tâm chu đáo, lo nhu yếu phẩm đầy đủ cho bà con. Nhưng, nhà tôi chỉ có hai vợ chồng già, vợ tôi cũng đã sắm đủ trước khi bị cách ly, phong tỏa nên nhường lại cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn".
Những hành động trên có ý nghĩa lớn đối với công tác phòng, chống dịch bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, công tác phòng chống dịch được xác định lâu dài. Sự chung tay, chung sức, chia sẻ khó khăn với nhau càng làm ấm lòng người dân trong cơn hoạn nạn; điều này tạo nên sự gắn kết, tinh thần tương thân, tương ái được phát huy cao độ, tạo nên sức mạnh tổng hợp để cùng nhau chiến thắng đại dịch.
Đường Lê Công Khai, khu phố 1, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa đang trải qua những ngày phong tỏa. Chia sẻ với những thiệt thòi của trẻ em trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là với trẻ em đang trong khu phong tỏa, chính quyền phường Quảng Hưng đã tổ chức nhiều hoạt động đảm bảo an sinh xã hội. Lực lượng thanh niên tình nguyện thường xuyên chia sẻ, động viên; quan tâm, hỗ trợ từ bữa ăn hàng ngày tới những nguyện vọng muốn mua sách, báo cho các em; tổ chức sinh nhật để khích lệ và gửi gắm những tình cảm, lời động viên của các đồng chí cán bộ Đoàn, Đội cũng như các bạn học sinh bên ngoài muốn gửi tới.
Phường Lam Sơn đã triển khai phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm, hàng hóa và đảm bảo đời sống cho người trong vùng phong tỏa. Khi có nhu cầu về lương thực, thực phẩm, người dân trong khu phong tỏa chỉ cần gọi điện nhờ người trong chốt trực mua giúp. Phường đã trao tặng các gói quà an sinh xã hội đối với các hộ đặc biệt khó khăn để đảm bảo đời sống cho các hộ gia đình. Đối với sản xuất, chính quyền địa phương cũng sẽ động viên người dân nhờ người thân ngoài khu vực phong tỏa chăm sóc, thu hoạch giúp hoặc có thể giao cho các đoàn thể thành lập các tổ tự nguyện hỗ trợ người dân trong việc chăm sóc, tiêu thụ rau màu... Chính nhờ những việc làm thiết thực và kịp thời của địa phương nên những người dân thuộc khu phong tỏa của phố Ngô Từ đã không còn cảm giác lo lắng, hoang mang. Ngược lại họ yên tâm chấp hành các quy định của địa phương để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Một số diễn biến khác tại huyện Như Thanh – nơi đang chấp hành lệnh giãn cách theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ tại một số thôn xã. Những ngày qua tại Thanh Hóa có mưa to, gió giật mạnh, khiến diện tích lúa chín bị đổ rạp nhiều, gây khó khăn cho việc thu hoạch. Đặc biệt trước diễn biến phức tạp của bão số 5 sắp đổ bộ, ngày 10/9, Huyện ủy Như Thanh đã phát động công chức, viên chức và các lực lượng cán bộ toàn huyện ra đồng gặt lúa cùng nông dân. Ghi nhận tại cánh đồng thuộc thị trấn Bến Sung, từ sáng sớm hàng trăm cán bộ các ban ngành, đoàn thể đã xắn tay xuống các cánh đồng với không khí khẩn trương, tấp nập.
Ông Trần Văn Hoàn 70 tuổi, trú tại thị trấn Bến Sung cho biết: Nhà ông có hơn 2 sào lúa đã chín nhưng chỉ có 2 ông bà đều đã lớn tuổi, sức khỏe hạn chế. Khi lúa bị đổ rạp, ông rất lo lắng khi lúa vẫn nằm ngoài đồng. Nhưng với sự giúp đỡ của lực lượng công an, dân quân tự vệ, giáo viên... trên địa bàn, sáng 11/9, toàn bộ lúa của ông đã được đưa về nhà phơi phóng một cách nhanh chóng, gọn gàng. Đặc biệt ông thực thực cảm động khi nhìn thấy hình ảnh đồng chí Bí thư huyện Như Thanh - Đinh Xuân Hướng, đồng chí Đặng Tiến Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng lãnh đạo các Phòng, ban, ngành cấp huyện đã không quản ngại lấm bùn, xắn tay xuống đồng gặt lúa giúp dân. Có lẽ đây sẽ là hình ảnh đẹp nhất về người cán bộ điển hình tiên tiến trong những lúc nguy nan.
Cảm động, biết ơn và ý thức đồng lòng, chung tay phòng, chống dịch là tình cảm chung của phần lớn bà con trong khu vực phong tỏa tại tỉnh Thanh Hóa. Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng với sự thống nhất cao của hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa; người dân đồng lòng, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tinh thần đoàn kết đã, đang và sẽ là sức mạnh được phát huy, nhất định dịch bệnh sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, nhất định đất nước sớm trở về trạng thái bình thường mới, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội
Yến HoàngĐại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 đã trở lại trong hai ngày 22-23/11/2024, tại trường Đại học VinUni, Hà Nội, với chủ đề “FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, hơn 60 diễn giả, chuyên gia; các cơ quan truyền thông, báo chí; những người hoạt động và có mối quan tâm tới lĩnh vực sales & marketing cùng sinh viên các trường Đại học đã hội tụ tại sự kiện sales và marketing lớn nhất năm.