Thanh Hóa: Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch
Làng nghề truyền thống là một trong những đặc trưng của nông thôn Việt Nam, gắn với đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư nên có sức hấp dẫn du khách, nhất là du khách quốc tế. Tại Thanh Hóa, số lượng các làng nghề đặc trưng nhiều, nhưng việc gắn du lịch để phát triển còn nhiều bất cập, thiếu và yếu, rất cần có những giải pháp mang tính đột phá...
Khu vực miền núi Thanh Hóa là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Mường, Thái, Mông, Dao, Thổ, Khơ Mú... Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, những năm qua, các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm, gắn với phát triển du lịch, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tiềm năng rộng mở
Các làng nghề truyền thống được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển văn hóa - xã hội của cộng đồng dân cư nên nó còn được xem như là một dạng tài nguyên du lịch nhân văn. Trên thực tế, đã xuất hiện khái niệm "du lịch làng nghề", ở đó hai loại hình kinh tế là du lịch và nghề truyền thống luôn bao gồm cả giá trị vật thể và phi vật thể, theo đó cũng trở thành hàng hóa, thành sản phẩm du lịch; đồng thời trở thành sản phẩm du lịch. Hiện nay, du lịch làng nghề đang trở thành một xu hướng tất yếu trong phát triển du lịch; đồng thời trở thành một giải pháp hữu hiệu trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nên các thương hiệu du lịch.
Nằm trong Khu du lịch sinh thái Pù Luông, xã Lũng Niêm (Bá Thước) có lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều năm qua đảng ủy, chính quyền xã luôn xác định muốn phát triển du lịch, thì việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, xã đã vận động nhân dân bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, như: nhà sàn, trang phục, các trò chơi, trò diễn, món ăn truyền thống..., trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Thái (chủ yếu là thôn Lặn).
Đến nay, ở thôn Lặn có trên 100 hội viên phụ nữ tham gia nghề dệt thổ cẩm, với các loại sản phẩm, như: vải thổ cẩm, khăn, mũ, quần áo, gối, túi thổ cẩm, khăn trải bàn, đệm ghế... để phục vụ khách du lịch. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có gần 1.000 lượt khách du lịch nước ngoài đến với thôn Lặn. Ngoài tham quan du lịch và mua sắm các sản phẩm dệt thổ cẩm của làng nghề, khách du lịch nước ngoài rất thích mua nhiều sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của làng nghề làm quà lưu niệm. Nhờ có nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây đã được cải thiện, khá hơn rất nhiều, lượng khách du lịch đến với làng nghề ngày một đông...
Đến Khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy), nhiều mặt hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu, đa dạng mẫu mã, chủng loại được bày bán. Nhiều du khách có dịp đến đây, khi trở về đều không quên mua cho mình một món quà làm bằng thổ cẩm. Tuy món quà mộc mạc, dân dã, nhưng mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 40 hộ gia đình vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm. Trước nhu cầu của khách hàng, các hộ gia đình không ngừng đổi mới về sản phẩm, mẫu mã để đáp ứng với nhu cầu của thị trường. Sản phẩm chủ yếu là khăn, váy, túi, chăn đệm... Chị em phụ nữ không phải đi làm ăn xa, tranh thủ lúc nông nhàn cũng có việc làm tăng thu nhập.
Thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020", đến nay trên địa bàn các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy đã hình thành được 7 làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Để phát triển bền vững, các địa phương đã tạo điều kiện thành lập các tổ hợp tác sản xuất mặt hàng thổ cẩm. Hiện nghề dệt thổ cẩm đang tạo việc làm bán thời gian cho hàng nghìn lao động miền núi xứ Thanh, tập trung chủ yếu ở các khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng.
Để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững, các huyện miền núi trong tỉnh đang có giải pháp hình thành vùng nguyên liệu, liên kết từ sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, đồng thời xây dựng các sản phẩm thổ cẩm có thương hiệu; xây dựng các làng nghề thổ cẩm thành các điểm đến tham quan cho khách du lịch và hướng tới coi nghề dệt thổ cẩm là một sản phẩm du lịch đặc trưng của miền núi xứ Thanh.
Nhiều địa phương khác trên địa bàn các huyện miền núi cũng đang giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trên cơ sở đó, năm 2015, UBND tỉnh đã có Quyết định 4620/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020".
Trong đó, có bảo tồn nghề dệt thổ cẩm ở các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân, Cẩm Thủy, hỗ trợ 7 làng nghề dệt thổ cẩm gồm: làng nghề dệt thổ cẩm bản Chai, bản Cang, xã Mường Chanh, làng nghề dệt thổ cẩm bản Sáng, bản Pùng, xã Quang Chiểu (Mường Lát), làng nghề dệt thổ cẩm bản Ban, xã Hồi Xuân (Quan Hóa); làng nghề dệt thổ cẩm thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước); làng nghề dệt thổ cẩm thôn Muốt, xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy).
Vẫn còn đó những khó khăn
Có thể nói, tiềm năng phát triển nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay là khá lớn. Bởi, dệt thổ cẩm chính là nghề truyền thống gắn với người phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Vì thế, đa số bà con đều muốn học và theo nghề. Cùng với đó, nguồn nhân lực có tay nghề dệt thổ cẩm còn nhiều, có thể dễ dàng để truyền dạy lại cho lớp trẻ. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nghề dệt thổ cẩm hiện đang gặp nhiều khó khăn, thiếu tính bền vững. Chủ yếu là do, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện chưa có các mô hình làng nghề "khép kín" tạo thành chuỗi giá trị và khai thác sự đa dạng về văn hóa để tạo nên những sản phẩm truyền thống độc đáo, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Chất lượng mẫu mã chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, nhất là thiếu hụt "bản sắc" của sản phẩm thổ cẩm dẫn đến sản phẩm làm ra khó tiêu thụ.
Theo những người tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm, để nghề này phát triển mạnh, cần hơn hết là phải xây dựng các làng nghề thổ cẩm thành các điểm đến tham quan cho du khách, phải coi nghề dệt thổ cẩm là một sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, không chỉ là đầu tư và giới thiệu sản phẩm dệt truyền thống với bạn bè, du khách mà còn phải tạo điều kiện cho người tham gia làm nghề được học hỏi, giao lưu với nghề dệt thổ cẩm của các tỉnh khác nhằm vươn tới những tiến bộ mới trong kỹ thuật và những tiềm năng mới trong sáng tạo...
Triều NguyệtCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.