Thanh Hóa: Bưởi Luận Văn - đặc sản "tiến Vua" vào vụ Tết

Địa phương
11:15 AM 29/12/2022

Bưởi "tiến Vua" thuộc làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, là dòng bưởi đỏ quý hiếm. Tương truyền bưởi này có từ thời vua Lê Lợi. Quả bưởi khi còn non có màu xanh như các loại bưởi thông thường, nhưng bắt đầu từ tháng 10 - 11 âm lịch, bưởi chuyển sang màu vàng và cận Tết chuyển sang màu đỏ tươi như quả gấc.

Cứ vào thời điểm giáp Tết, làng Luận Văn, xã Thọ Xương lại nhộn nhịp bởi khách đến đặt mua bưởi "tiến Vua" để phục vụ Tết.

THANH HÓA CÓ BƯỞI "TIẾN VUA" - Ảnh 1.

Giống bưởi tiến vua đang góp phần mang đến thu nhập cao và ổn định cho người dân nơi đây.

Theo người dân làng Luận Văn, năm nay thời tiết không thuận nên bưởi ra trái ít hơn nhưng giá bán cao hơn năm trước. Hiện tại, giá bán tại vườn là từ 80.000 đồng -120.000 đồng/quả, tùy loại.

Bưởi có màu đỏ tươi từ trong ra ngoài, mùi thơm dịu, từng là sản vật được người dân đưa vào tiến Vua, vì vậy, giống bưởi này được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt mỗi dịp Tết đến xuân về.

Ông Trịnh Đình Thành (thôn Xuân Tân, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân) cho biết: Giống bưởi này được gia đình ông trồng từ lâu, khi đó đem ra chợ bán giá chỉ được 20.000-30.000 đồng/quả vào dịp Tết.

THANH HÓA CÓ BƯỞI "TIẾN VUA" - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Tư cẩn thận bọc túi ni lông cho từng quả bưởi để đợi đến ngày thu hoạch

Khoảng 10 năm nay, do nhu cầu của thị trường tăng nên nhà ông đã đầu tư trồng nhiều hơn, khoảng 300 gốc bưởi. Giá mua sỉ tại vườn dao động từ 65.000-70.000 đồng/quả, nhưng thường thì vào dịp Tết giá sẽ cao hơn nữa. Nhờ có bưởi tiến Vua mà cuộc sống của người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Đặc biệt, bưởi tiến Vua cứ vào khoảng tháng 10-11 âm lịch sẽ tiếp tục có sự thay đổi về màu sắc, lúc này toàn thân quả bưởi từ ngoài vào trong tép đều chuyển sang màu đỏ gấc.

Không chỉ có màu sắc quyến rũ, khi thưởng thức hương vị bưởi cũng rất ngon. Chỉ cầm quả bưởi trên tay đã ngửi thấy mùi thơm nức, càng xoa tay vào quả bưởi càng đỏ, ăn bưởi có vị ngọt thanh, khác xa với các loại bưởi thông thường khác.

Điều thú vị, khi sử dụng rượu để lau bưởi trước khi dâng cúng tổ tiên, bưởi sẽ có mùi thơm rất đặc trưng và lưu giữ được màu sắc, vẻ đẹp tươi cả tháng trời.

THANH HÓA CÓ BƯỞI "TIẾN VUA" - Ảnh 3.

Từ những ngày đầu tháng Chạp, nhiều thương lái đã đến vườn để đặt cọc mua bưởi

Không những vậy, màu đỏ đặc trưng, bắt mắt của bưởi Luận Văn còn được xem như biểu trưng của sự may mắn, tài lộc. Chính vì vậy, người xưa ưu ái xếp bưởi đỏ Luận Văn làm "vua" của các loại bưởi.

Theo người dân ở đây, bưởi luận Văn chỉ duy trì được những đặc tính quý hiếm khi được trồng tại một số xã thuộc huyện Thọ Xuân (cũng như cây quất trồng ở đất này, quả quất ngọt, khi đem trồng ở đất khác thì quả quất chua, có thể do thổ nhưỡng).

Là doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn, ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Đại Nam, cho biết, Công ty đang bao tiêu khoảng 100 ha bưởi ở các xã trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Ngoài thị trường hiện nay giá khoảng 200.000 đồng/quả, đến tết nguyên đán giá có thể lên đến 250.000 - 300.000 đồng/quả hoặc có thể đắt hơn. Với những chùm quả đẹp thì chưa biết trước giá.

THANH HÓA CÓ BƯỞI "TIẾN VUA" - Ảnh 4.

Giống bưởi Luận Văn vỏ đỏ, ruột đỏ là sản vật có từ thời hậu Lê với hương vị thơm ngon mà thời kỳ phong kiến chỉ vua, chúa mới được dùng.

Theo kinh nghiệm của ông, với những quả bưởi to, chừng trên 2kg thường gọi là quả "Vip" thì giá lại càng đắt hơn vì số lượng quả này ít. Những quả đẹp có giá lên tới hơn 1 triệu đồng/cặp.

Mặt khác, sau khi thu mua về, sản phẩm được Công ty viết thư pháp, tạo hình thành những mâm ngũ quả đỏ rực, sum suê, trên mâm ngũ quả, bàn thờ tổ tiên.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Nam cũng khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích mà cần tập trung và việc thâm canh, chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời quy hoạch cụ thể về diện tích khu vực nào có thể trồng được bưởi để kiểm soát chất lượng, để giữ gìn thương hiệu bưởi đỏ Luận Văn "tiến Vua" nổi tiếng và hấp dẫn này.

                     

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn