Thanh Hóa: Cần làm rõ những góc khuất trong việc giải phóng mặt bằng

Đời sống
01:22 PM 07/10/2020

Quá trình thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua xã Tân Châu (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) bị người dân cho rằng có dấu hiệu khuất tất.

"Góc khuất" chồng "góc khuất"

Khoảng đầu năm 2019 người dân được thông báo trên loa truyền thanh về dự án. Khoảng tháng 6/2019, Hội đồng GPMB kiểm kê tài sản, sau đó các hộ dân nhận được tờ giấy ghi họ tên, tài sản, số tiền đền bù. Theo phản ánh của người dân thôn 2, để thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam, xã có 106 hộ dân bị thu hồi đất.

So sánh, đối chiếu với xã bên cạnh thực hiện dự án này thì phát hiện ở xã Tân Châu có dấu hiệu thực hiện chưa đúng quy định: Từ khi kiểm kê tài sản đến khi được Hội đồng đền bù GPMB gọi lên nhận tiền, người dân không hề nhận được các loại giấy tờ cơ bản như Quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án đền bù, trong khi đây là căn cứ để thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện. Mãi sau này khi nhiều hộ khiếu nại thì ngày 12/8/2020 huyện mới đưa ra quyết định thu hồi đất kèm phương án bồi thường nhưng chỉ thể hiện thông tin tên hộ, số tiền mà không hề có ai ký tên xác nhận. Quyết định thu hồi đất có hai tờ thì cũng không có dấu giáp lai.

Điều thắc mắc nữa là người dân không được biết hội đồng GPMB căn cứ vào đâu để tính toán ra bảng giá bồi thường. Cũng theo phản ánh của người dân, việc xác định nguồn gốc đất chưa đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng. Nhiều hộ có đất ở nông thôn nhưng khi áp giá đền bù thì bị tách thành nhiều loại khác nhau.

Thanh Hóa: Cần làm rõ những góc khuất trong việc giải phóng mặt bằng  - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa Nguyễn Văn Phúc nói về những khiếu nại của người dân.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng GPMB hỗ trợ tái định cư dự án, cho rằng, khi triển khai GPMB có nhiều phương án và "Ban GPMB chia nhỏ, xử lý đến đâu thì phê duyệt đến đó". Theo ông Phúc, huyện ban hành một quyết định thu hồi đất áp dụng chung cho các hộ dân, kèm theo phụ lục phương án đền bù của các hộ. Luật có cho phép làm như vậy hay không? Ông Phúc nói: "Chúng tôi đã tham vấn các Sở, ngành địa phương và được anh em tham mưu nói rằng hiện chỉ có huyện Tĩnh Gia ban hành quyết định riêng đến từng hộ, "cách làm nào cũng được"".

Theo ông Phúc, sau khi có kiến nghị của người dân, ngày 12/8/2020, UBND huyện điều chỉnh phương án và ban hành Quyết định thu hồi đất riêng với từng hộ, thay thế quyết định chung trước đó. Còn Quyết định phê duyệt phương án đền bù, UBND huyện phê duyệt chung cho nhiều hộ (gửi kèm phụ lục). Về nghi vấn một số quyết định của huyện ban hành, nhưng ở giữa không có dấu giáp lai, có thể bị đối tượng xấu "đánh tráo" khi đến tay dân, ông Phúc thừa nhận đó là lỗi ban hành và đã chỉ đạo sửa lại bằng cách in thành 1 tờ, nếu 2 tờ thì có dấu giáp lai.

Đơn cử cho bất cập việc ban hành chung quyết định này, Bà Nguyễn Thị Thiết (thôn 2 xã Thiệu Tân) khẳng định đến nay gia đình bà chưa nhận được bất kỳ quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án đền bù nào mà chỉ nhận được tờ giấy áp giá đền bù. Thế nhưng bà liên tục được gọi lên nhận tiền đền bù. "Tôi đang khiếu nại về diện tích đất đo đạc bị thiếu so với số liệu ghi trên GCNQSDĐ và đã nhiều lần làm đơn khiếu nại, kiến nghị gửi đến UBND huyện, UBND tỉnh nhưng đến nay chưa được giải quyết thỏa đáng. Thế nhưng mới đây có cán bộ đến đo vẽ nói với tôi rằng chuẩn bị tinh thần bị cưỡng chế", bà Thiết nói.

Theo chuyên gia pháp luật đánh giá, nhận xét, quy trình thu hồi đất như ông Phúc nói là sai quy định: "Việc ban hành quyết định chung sẽ ảnh hưởng đến quyền khiếu nại của người dân. Đây là dạng quyết định tổng thể, điều chỉnh đến một nhóm đối tượng và hiện có nơi tòa án không coi dạng này là đối tượng của tố tụng hành chính. Quyết định thu hồi đất luôn luôn phải đi cùng quyết định phê duyệt phương án đền bù về đất và phải giao người dân, đồng thời niêm yết công khai tại địa phương. Điều này đã được quy định rõ ràng tại Điều 69 Luật Đất đai 2013"

Định giá đã "Minh bạch" và "đúng thực tế" ?

Về căn cứ tính giá đất đền bù (từ 1,1-1,87 triệu đồng/m2), ông Phúc cho rằng: "Thẩm quyền quy định giá đất thuộc về UBND cấp tỉnh, riêng ở Thanh Hóa mỗi năm một lần tỉnh ủy quyền cho huyện và huyện cũng không muốn nhận việc này. Nếu tỉnh ban hành giá đất cụ thể thì huyện rất nhẹ"., Hội đồng GPMB đã thuê Đoàn đo đạc bản đồ và quy hoạch (Sở TN&MT) xác định giá đất cụ thể cho từng hộ bị thu hồi. Sau đó căn cứ vào chứng thư định giá đất của Đoàn, đối chiếu thực tế, huyện ban hành quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để tính phương án đền bù.

Thanh Hóa: Cần làm rõ những góc khuất trong việc giải phóng mặt bằng  - Ảnh 2.

Bản chứng thư định giá đất bị đánh giá “sơ sài” khi để trống số hiệu, ngày tháng cụ thể.

Đánh giá chứng thư mà Hội đồng GPMB huyện Thiệu Hóa cung cấp, nhiều chuyên gia pháp lý cho biết ngay thể thức văn bản, đã thấy nghi ngờ về tính minh bạch cũng như giá trị pháp lý. Ngay trang đầu tiên của chứng thư để trống phần số hiệu, để trống ngày, chỉ đề tháng 7/2020. Trong phần liệt kê các căn cứ pháp lý cũng thiếu thông tin về số hợp đồng và ngày ký hợp đồng cung cấp dịch vụ định giá đất. Trong khi thời hạn hiệu lực của kết quả định giá là 6 tháng. Theo chứng thư này thì đơn vị tư vấn áp dụng phương pháp so sánh trực tiếp để xác định giá đất cụ thể cho 104 thửa. Trong khi đó theo người dân, phương pháp tính giá đất nói trên làm giảm quyền lợi của họ so với phương pháp ban hành hệ số điều chỉnh giá đất bởi hiện nay chưa có các quy định cụ thể liên quan đến việc xác định giá đất thị trường.

Chưa hết, trang cuối của chứng thư còn ghi "HĐBT GPMB huyện Thiệu Hóa, chủ thửa đất và đơn vị sử dụng kết quả định giá phải ý thức rằng chúng tôi chỉ sử dụng những hồ sơ pháp lý với bản sao và sự hướng dẫn khảo sát thực tế từ đơn vị yêu cầu thẩm định, chúng tôi không có trách nhiệm xác minh hồ sơ cũng như kiểm chứng thông tin này". Với những câu từ như vậy, nhiều luật sư cho rằng bản "chứng thư định giá đất" này cần phải xem xét lại từ  nội dung đến hình thức, giá trị pháp lý vì đây là căn cứ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân.

Trong khi việc định giá cũng như ban hành công văn còn nhiều sai phạm, vướng mắc chưa được làm rõ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết đang rà soát lần cuối các khiếu nại của người dân, song song với đó đã gửi hồ sơ để chuẩn bị biện pháp cưỡng chế.

Văn Bảo
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.