Thanh Hóa cần tận dụng tốt các cơ chế đặc thù để bứt phá toàn diện

Địa phương
09:18 AM 30/08/2022

Ngày 29/8, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021 và 7 tháng năm 2022; kết quả thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Thanh Hóa cần tận dụng tốt các cơ chế đặc thù để bứt phá toàn diện - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Chủ tịch nước vui mừng, phấn khởi khi Thanh Hóa có bước phát triển đồng bộ, trên tất cả các mặt. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX một cách bài bản, hệ thống với cách làm phong phú, đạt được những kết quả cụ thể.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tên địa danh "Thanh Hóa" được các nhà khoa học xác định có từ năm 1029, thời vua Lý Thái Tông. Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích nhiều đời Vua trong các triều đại phóng kiến Việt Nam, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Chỉ còn 7 năm nữa là tròn 1.000 năm ra đời địa danh Thanh Hóa, một vùng đất "địa linh, nhân kiệt", giàu truyền thống lịch sử, gắn với sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch nước đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng lưu ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa chưa thực sự vững chắc, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, kinh tế Thanh Hóa chỉ chiếm khoảng 2,5% GDP cả nước. Thu ngân sách lớn, song khả năng tự chủ ngân sách còn thấp…

Thanh Hóa cần tận dụng tốt các cơ chế đặc thù để bứt phá toàn diện - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa

Do đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thanh Hóa tập trung phát triển toàn diện nền kinh tế, tạo những tiến bộ vượt trội về an sinh xã hội, về văn hóa và môi trường. Ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, tạo thành tứ giác phát triển ở phía bắc, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh nỗ lực tận dụng tốt các cơ chế đặc thù được Trung ương chấp thuận để bứt phá. Trong đó có Nghị quyết 58 của Bộ chính trị, Nghị quyết 37 của Quốc hội.

Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý phát triển kinh tế phải gắn chặt với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển quê hương, đất nước. Cùng với đó là chú trọng bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác và hữu nghị với các địa phương của nước bạn Lào, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, liêm chính.

Thanh Hóa cần tận dụng tốt các cơ chế đặc thù để bứt phá toàn diện - Ảnh 3.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021 và 7 tháng năm 2022.

Báo cáo với Chủ tịch nước, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết năm 2021 và 7 tháng năm 2022, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Năm 2021, Thanh Hóa có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,85% (đứng trong nhóm 5 tỉnh, TP có mức tăng cao của cả nước); thu ngân sách Nhà nước đạt 40.781 tỉ đồng, vượt 53% dự toán, tăng 29% so với năm 2020 (cao nhất từ trước đến nay). Huy động vốn đầu tư phát triển đạt 137.630 tỉ đồng, bằng 98,3% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng cao so với cùng kỳ.

7 tháng năm 2022, các hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì ổn định và phát triển, trong đó có một số lĩnh vực phát triển mạnh. Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2022 đạt 13,41%, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố; thu ngân sách nhà nước đạt 31.183 tỉ đồng, vượt 11% dự toán năm 2022, tăng 61% so với cùng kỳ. Đã thu hút được 50 dự án đầu tư trực tiếp (có 4 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 10.733 tỉ đồng và 41 triệu USD…

Với những thành quả đã đạt được, theo ông Đỗ Minh Tuấn, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra 10 nhóm giải pháp để tập trung chỉ đạo, khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2022.

Trong đó phấn đấu hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng cuối năm đạt 11% trở lên, cả năm 2022 đạt 12,2% trở lên (kế hoạch là 11,5%); thu ngân sách phấn đấu đạt 8.817 tỉ đồng trở lên, cả năm đạt 40.000 tỉ đồng trở lên (dự toán là 28.143 tỉ đồng trở lên); thành lập mới 1.315 doanh nghiệp, cả năm thành lập mới 3.500 doanh nghiệp (kế hoạch là 3.000 doanh nghiệp).

Tại buổi làm việc, tỉnh Thanh Hóa cũng đề xuất, kiến nghị với Chủ tịch nước và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ, giới thiệu, vận động các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào Thanh Hóa theo định hướng Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII đề ra.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Thanh Hóa đất rộng người đông, có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế -xã hội. Với dân số đông thứ 3 cả nước, nguồn lực con người là tài nguyên quan trọng. Chủ tịch nước cũng đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian qua. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ở nhóm có mức tăng cao của cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt mức cao; việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư đạt kết quả tích cực… Việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong hệ thống tòa án và viện kiểm sát nhân dân tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Chủ tịch nước đề nghị Thanh Hóa tập trung phát triển toàn diện nền kinh tế, tạo những tiến bộ vượt trội về an sinh xã hội, về văn hóa và môi trường. Để đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc, Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh tận dụng tốt các cơ chế đặc thù T.Ư đã chấp thuận, phát huy lợi thế sẵn có để phát triển bứt phá.

Chủ tịch nước đề nghị Thanh Hóa sớm hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch phát triển tỉnh trên cơ sở tích hợp phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội, đô thị hóa gắn với phát triển nông thôn, chuyển dịch sản xuất gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động với tầm nhìn dài hạn. Xóa bỏ tư duy và tầm nhìn cục bộ địa phương, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Chủ tịch nước lưu ý, Thanh Hóa cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số. Tập trung nguồn lực đầu tư hình thành được một trường đại học có chất lượng cao, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Tỉnh cần chắt chiu nguồn lực cùng với sự hỗ trợ của T.Ư để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Xóa bỏ các rào cản nhằm khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. 

Vũ Quỳnh
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.