Thanh Hóa: Cảnh giác việc chia sẻ hình ảnh căn cước công dân lên mạng xã hội
Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, Chứng minh Nhân dân (CMND) là một loại giấy tờ quan trọng, trong đó có chứa những dữ liệu thông tin về tên, năm sinh, ảnh cá nhân. Đặc biệt, CCCD còn có mã QR và chíp trên thẻ chứa rất nhiều thông tin cá nhân quan trọng…
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân vẫn "vô tư" chia sẻ hình ảnh CMND, CCCD có gắn chíp điện tử của mình trên mạng xã hội hoặc để cho người khác chụp ảnh CCCD có gắn chíp điện tử của mình. Hành động này có thể khiến người dân sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro cùng những hậu quả khó lường. Chỉ cần dựa vào mã QR hoặc thông tin in trên thẻ CCCD là biết rõ thông tin cá nhân của công dân. Từ những thông tin đó, các đối tượng xấu có thể dễ dàng lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Hiện tại có rất nhiều ứng dụng cho vay tiền online chỉ cần chụp hình ảnh CCCD (hay CMND) hai mặt là có thể được giải quyết hợp đồng vay tiền và giải ngân một cách nhanh chóng. Vì vậy mà các đối tượng khác thường tìm cách lấy thông tin cá nhân của người khác, sau đó chụp ảnh và gửi vào những ứng dụng này để vay tiền.
Các app cho vay tiền online này có ưu điểm là thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, nhưng có nhược điểm lớn nhất đó là bỏ qua khâu xác minh chính chủ, hoặc có xác minh nhưng quá trình xác minh rất sơ sài, từ đó tạo sơ hở và kẽ hở cho những đối tượng khác có cơ hội để chiếm đoạt tiền thông qua hợp đồng vay.
Cũng đã có rất nhiều người bị lợi dụng sử dụng hình ảnh CCCD (hay CMND) hai mặt để đăng ký thuê bao trả sau của các nhà mạng, sau đó thực hiện những cuộc gọi quốc tế, hoặc thực hiện các cuộc gọi trong nước một cách vô tội vạ. Ngoài ra, các đối tượng có thể thu thập hình ảnh CCCD mà người dân chia sẻ để đăng ký mã số thuế ảo, tài khoản ngân hàng… nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận tin trình báo của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) về việc một khách hàng làm hồ sơ mở thẻ tín dụng của ngân hàng và đã giao dịch rút hơn 76 triệu đồng từ tháng 8/2021 nhưng không thanh toán đúng hẹn. Ngân hàng đã tiến hành xác minh thì không liên lạc được với số điện thoại và địa chỉ ghi trên hồ sơ.
Ngay sau khi nhận được tin trình báo, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã nhanh chóng điều tra làm rõ vụ việc. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau một thời gian ngắn xác minh, Phòng Cảnh sát kinh tế đã xác định Phạm Thị Lan Anh, sinh năm 1990, ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) là đối tượng đã đánh cắp thông tin như họ tên, địa chỉ, số CMND của người khác để làm hồ sơ vay tín dụng của VP Bank. Tại cơ quan công an, Phạm Thị Lan Anh khai nhận đã làm hồ sơ mở thẻ tín dụng online qua App bằng thông tin của người khác, sau đó dán ảnh mình vào CMND giả, trực tiếp đến ngân hàng để lấy thẻ tín dụng, sau đó giao dịch tại các quầy POS và rút thành công hơn 76 triệu đồng.
Để phòng ngừa những đối tượng lấy cắp thông tin cá nhân nhằm phục vụ mục đích xấu, lực lượng chức năng khuyến cáo, người dân không cho mượn, không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CMND, CCCD có gắn chíp điện tử lên mạng xã hội; không cung cấp thông tin CCCD có gắn chíp điện tử cho những dịch vụ không thiết yếu, các dịch vụ không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin. Khi mất CMND, CCCD có gắn chíp điện tử cần trình báo cơ quan chức năng và làm lại giấy tờ.
Trường hợp người dân bị lừa lấy thông tin trên CMND, CCCD gắn chíp điện tử để đi vay tiền hoặc mở các tài khoản ngân hàng hay đăng ký thuê bao trả sau để thực hiện hành vi lừa đảo thì nhanh chóng thông báo với đơn vị cho vay, liên hệ ngân hàng hoặc nhà mạng và cơ quan chức năng nơi gần nhất để được hỗ trợ. Nếu người dân phát hiện trường hợp trên xảy ra ở nơi cư trú, đề nghị báo ngay cơ quan công an gần nhất để có biện pháp xử lý.
Yến HoàngTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.