Thanh Hóa: Chăn nuôi giữ vững đà tăng trưởng
Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, dần trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, tạo sinh kế và nâng cao đời sống cho người dân. Trong đó, chăn nuôi vốn là ngành sản xuất truyền thống, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho chăn nuôi.
Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh Thanh Hoá thu hút đầu tư 37 dự án chăn nuôi quy mô lớn. Tổng mức đầu tư trên 17.493 tỷ đồng, quy mô 84.000 lợn nái, 1,2 triệu lợn thịt/năm, 59 nghìn con vịt giống, 400 con trâu bò, 500 nghìn con vịt thịt/năm và 4,7 triệu gà thịt/năm. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến tháng 7 năm 2024, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1.080 trang trại chăn nuôi và 739.350 hộ dân, trong đó có 582 trang trại chăn nuôi lợn, 415 trang trại chăn nuôi gia cầm, 83 trang trại chăn nuôi trâu, bò.
Toàn tỉnh thu hút được 72 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn có vốn đầu tư nước ngoài như: Công ty chăn nuôi C.P, CJ, Japfa comfeed, Golden, Mavin, Newhope,… hình thành chuỗi chăn nuôi theo hình thức gia công, đang đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi khi tham gia vào chuỗi liên kết; Công ty CP (liên kết gia công 92 trang trại lợn, 42 trang trại gia cầm); Công ty CJ (18 trang trại lợn); Công ty Japfa Việt Nam (04 trang trại lợn, 125 trang trại gia cầm); Công ty Mavin (4 trang trại lợn); Golden (45 trang trại gia cầm); Công ty Phú gia (20 trang trại gia cầm, 2 trang trại lợn)…
Đồng thời, hình thành được 269 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi an toàn. Hiện có 1.386 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hơn 21.000 lao động, với thu nhập bình quân đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng. Giúp nâng cao đời sống vật chất cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước đầu tư xây dựng dự án chăn nuôi quy mô lớn gắn với nhà máy chế biến hoặc giết mổ và định hướng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi như: Tập đoàn Vinamilk, Tập đoàn TH True milk, Tập Đoàn DABACO, Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia, 3FViet,...; Nhà máy giết mổ gia cầm Viet Avis của Công ty cổ phần Nông sản Phú Gia và Tập đoàn Mastergood-Hunggary, trung bình hàng năm giết mổ khoảng trên 01 triệu con gia cầm, cung cấp ra ngoài thị trường và định hướng xuất khẩu; Công ty Hoa Mai, Công ty xúc sản Hàm Rồng xuất khẩu lợn sữa sang Hồng Kông, Trung Quốc; Các chuỗi liên kết trong sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Theo kế hoạch và chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đến năm 2030 phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng để phát triển chăn nuôi toàn diện, theo hướng tập trung, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất hữu cơ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường liên kết, hợp tác trong chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị có khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng ngành chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại, đảm bảo an toàn sinh học và thân thiện với môi trường, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến, khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh truyền nhiễm.
Hiện nay, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các chủ trang trại tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng quản trị kinh doanh; chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản với chủ trang trại để nâng cao hiệu quả kinh tế cho các trang trại.
Yến HoàngSáng sớm ngày 5/1, đỉnh Fansipan - "nóc nhà Đông Dương" - lại một lần nữa xuất hiện băng giá, đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp hiện tượng này diễn ra.