Thanh Hóa: Chủ động nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Trước thực trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều trường đã lên “kịch bản” nhằm bố trí, sắp xếp nhân sự để đảm bảo công tác dạy và học trong năm học mới này. Bởi, trong nhiều năm qua, ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên (GV) ở tất cả các bậc học.
Nguyên nhân của vấn đề đã được "mổ xẻ" tại nhiều diễn đàn lớn của tỉnh, thế nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Trước thực tế này, tỉnh Thanh Hóa và ngành giáo dục đã linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo công tác giảng dạy ở các nhà trường.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII dịp cuối năm 2023, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhiều năm qua, Thanh Hóa luôn trong tình trạng thiếu giáo viên và hiện nay, toàn tỉnh đang thiếu trên 10.000 giáo viên.
Cũng theo ông Thức, nguyên nhân thiếu giáo viên là do Trung ương giao biên chế cho tỉnh thấp hơn so với nhu cầu tính theo định mức quy định của tỉnh và thấp hơn nhiều so với quy định của tỉnh và thấp hơn nhiều so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, hằng năm vẫn phải cắt giảm biên chế theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương.
Thống kê những năm học gần đây, số lượng học sinh, số lớp trên địa bàn huyện Hoằng Hoá đều tăng, số lượng giáo viên nghỉ chế độ nhiều, trong khi đó, chỉ tiêu giao biên chế chưa kịp thời dẫn đến tình trạng thiếu nhiều giáo viên ở tất cả các bậc học, cấp học, đặc biệt là giáo viên văn hóa cấp tiểu học và giáo viên các môn Tin học, Mỹ thuật cấp THCS.
Nếu tính theo quy mô số lớp thực tế (đã dồn, nhóm, lớp), năm học 2023-2024, tổng số biên chế còn thiếu là 427 người. Trong đó cấp học mầm non thiếu 151 giáo viên; tiểu học thiếu 136 giáo viên. Nếu tính theo quy định tại Quyết định số 3185 / QĐ-UBND của UBND tỉnh, tổng số giáo viên biên chế còn thiếu là 721 người. Trong đó, cấp mầm non là 200 giáo viên; tiểu học là 317 giáo viên và THCS là 204 giáo viên.
Ông Đoàn Đăng Khoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hoằng Hóa, cho biết: Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND huyện triển khai nhiều giải pháp như: Dồn nhóm, lớp trong điều kiện có thể; điều động biệt phái giáo viên từ trường thiếu ít sang trường thiếu nhiều. Với giải pháp này, từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, huyện đã điều động, biệt phái 16 giáo viên. Ngoài ra huyện còn thực hiện điều động giáo viên dạy liên trường với tổng hơn 1.000 tiết/tuần)…
Cô giáo Lê Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoằng Châu, năm học 2023-2024 này nhà trường có hơn 1.000 học sinh. Nếu phân chia lớp theo quy định biên chế giao, toàn trường sẽ có 27 lớp cho tất cả các khối. Tuy nhiên, do thiếu giáo viên nên nhà trường đã dồn xuống còn 24 lớp. Do dồn lớp nên có lớp sĩ số học sinh lên đến 49 em, vượt so với quy định của ngành. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song ban giám hiệu nhà trường luôn động viên giáo viên, nhất là giáo viên hợp đồng, giáo viên biệt phái nỗ lực, đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường.
Không riêng huyện Hoằng Hóa, tại nhiều địa phương khác như TP. Thanh Hóa, huyện Yên Định, thị xã Nghi Sơn, huyện Hậu Lộc cũng nằm trong tình trạng thiếu giáo viên. Để khắc phục tình trạng này, nhiều nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chuyên môn. Đồng thời phân công cán bộ, giáo viên và nhân viên kiêm thêm việc; vận động giáo viên đang dạy trong trường tăng số tiết, số giờ/tuần. Nhiều trường cũng đã hợp đồng thêm giáo viên nhằm giảm áp lực cho các tổ chuyên môn.
Để "lấp chỗ trống" cho các bộ môn thiếu giáo viên, Trường Tiểu học Quảng Tâm (TP. Thanh Hóa) đã phải hợp đồng 15 giáo viên, trong đó có cả giáo viên về nghỉ chế độ bảo hiểm 2,3 năm nay, có cả sinh viên mới ra trường. Đồng thời động viên các thầy, cô giáo cùng chung tay hỗ trợ nhau trong từng giờ dạy, tiết dạy…
Theo đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) cho biết, về tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn vẫn còn nhiều, lý do là vì biên chế năm qua hầu như không tăng, trong khi đó, quy mô học sinh , khối lớp tiếp tục tăng.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến hết học kỳ I năm học 2023-2024, biên chế sự nghiệp giáo dục của tỉnh còn thiếu so với nhu cầu và theo quy định tại Thông tư số 19/2023 và Thông tư số 20/2023/TT- BGDDT của Bộ GD&ĐT là 15.297 người. Trong đó giáo viên thiếu 10.055 người (mầm non thiếu 2.925 người, tiểu học thiếu 3.650 người, THCS thiếu 2.997 người và THPT thiếu 483 người); cán bộ quản lý và nhân viên hành chính thiếu 5.242 người…
Được biết, bước vào học kỳ II năm học 2023-2024, các huyện, thị xã, thành phố và Sở GD&ĐT đã thực hiện việc tuyển mới được gần 1.000 giáo viên, giảm bớt khó khăn về nhu cầu đội ngũ giáo viên trong các nhà trường.
Tuy nhiên, con số này vẫn khá khiêm tốn so với yêu cầu thực tế, vì vậy, để khăc phục tình trạng thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh giao bổ sung 2.654 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm 2024 và giao 3.840 chỉ tiêu lao động hợp đồng làm giáo viên mầm non, phổ thông năm 2024 theo Nghị định số 111/2022/NĐ- CP của Chính phủ theo Quyết định số 4989/QĐ-UBND, ngày 27/12/2023 của UBND tỉnh cho các huyện, thị xã, TP và Sở GD&ĐT. Hiện các đơn vị đang khẩn trương tuyển dụng giáo viên và hợp đồng lao động làm giáo viên theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường, lớp, học sinh bảo đảm theo đúng quy định, giảm thiểu số trường, nhóm lớp nhỏ lẻ; linh hoạt bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp và dạy tăng tiết; biệt phái giáo viên từ trương thừa đến trường thiếu thuộc thẩm quyền. Mặt khác, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ, trong đó ưu tiên đào tạo giáo viên dạy các môn thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hy vọng rằng với những giải pháp đồng bộ cả về trước mắt và lâu dài, cùng với sự quan tâm từ phía cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của toàn ngành, tình trạng thiếu giáo viên sẽ sớm được khắc phục nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong giai đoạn mới.
Triều NguyệtCác nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.