Thanh Hóa: Chú trọng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP
Thanh Hóa hiện có trên 1340 hợp tác xã và hàng nghìn tổ hợp tác. Các địa phương chú trọng nâng hạng, nâng sao cho các sản phẩm OCOP. Trong đó, từ tỉnh đến các địa phương luôn quan tâm xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP bằng uy tín chất lượng để khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Tính đến hết tháng 3/2025, Thanh Hóa có 634 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3-4 sao và 2 sản phẩm 5 sao. Trong số này, sản phẩm của các chủ thể là hợp tác xã, tổ hợp tác chiếm trên 30%. Các đơn vị kinh tế tập thể chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác đã chú trọng phát triển sản phẩm OCOP, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao doanh thu, tạo thêm việc làm cho người lao động. Nhiều hợp tác xã xây dựng được các chuỗi liên kết, sản xuất hàng hóa gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ.

Vườn dưa Kim Hoàng Hậu - thị trấn Vạn Hà được trồng đúng kỹ thuật, cho năng xuất cao.
Sản phẩm OCOP của tỉnh không chỉ là đặc sản quê phục vụ người tiêu dùng trong tỉnh, mà nhiều sản phẩm đã vào các kênh phân phối hiện đại, tham gia sàn thương mại điện tử, được tiêu thụ rộng khắp cả nước và xuất khẩu sang nhiều nước.
Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm mới, các chủ thể đã đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học - công nghệ để làm ra sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, nhiều hợp tác xã đã chủ động đăng ký thương hiệu, hoàn thiện bao bì, nhãn mác, logo, tem truy xuất nguồn gốc, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường...
Hiện tại, tỉnh đề ra nhóm giải pháp sẽ thực hiện là tập trung tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương; tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn triển khai về Chương trình OCOP. Đặc biệt, chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu của thị trường. Mục tiêu là xây dựng được những sản phẩm có thương hiệu, không chỉ tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa, mà còn đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường khó tính.

Nhiều sản phẩm OCOP đang vươn ra khắp cả nước và quốc tế nhờ biết phát huy những lợi thế là yếu tố bản địa, đặc trưng.
Theo các doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, bán sản phẩm là bán câu chuyện. Một sản phẩm hàng hóa thông thường sẽ được nhân giá trị lên gấp nhiều lần nếu biết đưa những câu chuyện gắn liền với quá trình sản xuất. Đó có thể là những câu chuyện về các giá trị văn hóa đặc trưng hay nét độc đáo riêng về nguồn gốc hình thành, công dụng đặc biệt của sản phẩm, quá trình hình thành và phương châm hoạt động của doanh nghiệp. Đây còn là niềm tự hào về giá trị tài nguyên bản địa, nét văn hóa, sự tâm huyết, kỳ vọng của người tạo ra sản phẩm.
Xây dựng thương hiệu là cách giúp các sản phẩm nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng có sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, người sản xuất được nâng cao kiến thức về quy trình lựa chọn nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất, bảo quản, tiếp thị sản phẩm. Đồng thời, tiến hành các công việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý để tránh bị xâm phạm... Đây cũng là cơ sở để bảo vệ, phát triển và quảng bá sản phẩm trên thị trường.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, khu vực kinh tế tập thể hiện có khoảng 250 nghìn người. Chú trọng xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, các Hợp tác xã đang ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong hỗ trợ sản xuất, tăng lợi ích, thu nhập cho thành viên và tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Yến Hoàng
Đưa Cát Bà thành đảo du lịch xanh vừa đáp ứng yêu cầu thời đại, vừa khẳng định cam kết của Việt Nam với thế giới về Net Zero. Điều này sẽ góp phần đưa Cát Bà thành tọa độ du lịch tầm cỡ quốc tế. Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Trần Đình Thiên đã nhận định như vậy khi bàn về việc định hình bản sắc cho du lịch Cát Bà.