Thanh Hóa: Chung tay hỗ trợ "người yếm thế" bởi dịch bệnh

Địa phương
08:32 AM 26/09/2021

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, những "người yếm thế" bởi dịch bệnh luôn nhận được sự quan tâm, sẻ chia, động viên kịp thời của các cấp, các ngành, bà con khối phố. Truyền thống "tương thân tương ái" trong lúc này lại được phát huy mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng nhất là trong những ngày giãn cách xã hội.

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến cuộc sống của những người phải lăn lộn mưu sinh kiếm miếng cơm, manh áo hằng ngày trở nên chật vật hơn. Giữa lúc khó khăn, tấm lòng "nhường cơm sẻ áo", tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no" đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, nâng đỡ họ vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Thật cảm động biết bao khi những ngày vừa qua, cán bộ, hội viên hội LHPN các cấp đã không quản khó khăn, vất vả, chuẩn bị hơn 1.700 suất quà để hỗ trợ cho những phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn do dịch bệnh, hỗ trợ các cháu là con hội viên bị dương tính với Sars-Cov2, con hội viên là F1 phải cách ly tập trung, các cháu ốm đau, khuyết tật... Không còn khái niệm ngày nghỉ, nhiều đoàn viên, thanh niên các huyện, thị xã, thành phố đã đảm nhiệm phục vụ từng bữa ăn cho những người đang cách ly tập trung. Từ đi chợ mua đồ, đến vào bếp nấu nướng, chuẩn bị các suất ăn không đồng đưa đến tận các khu cách ly được đông đảo đoàn viên, thanh niên thực hiện với tinh thần và trách nhiệm cao nhất.

Không phân biệt tôn giáo, trong những ngày giãn cách xã hội, Tòa Giám mục Thanh Hóa và Caritas Giáo phận Thanh Hóa đã tạm dừng cử hành thánh lễ để phòng, chống dịch bệnh và giành hơn 500 suất quà trao tặng cho các hộ sinh sống trên sông, bà con nghèo trong giáo xứ và những người trong khu phong tỏa trên địa bàn TP Thanh Hóa và thị xã Nghi Sơn. Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và tăng, ni, phật tử tại các nhà chùa cũng đã trao hàng nghìn suất quà trợ giúp các gia đình khó khăn, các gia đình trong khu phong tỏa, chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19.

Thanh Hóa: Chung tay hỗ trợ "người yếm thế" bởi dịch bệnh - Ảnh 1.

Phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) tiếp nhận hàng của Caritas Giáo phận Thanh Hóa để trao tặng cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn

Tại Tp. Thanh Hóa, trong khu phong tỏa đoạn từ đường Tống Duy Tân nối với đường Phạm Vấn, phố 9, phường Lam Sơn, những ngày bị phong tỏa bởi dịch bệnh COVID-19 luôn ấm áp tình người. Trước khi phong tỏa, cuộc sống hằng ngày của bà Nguyễn Thị Côi chỉ trông chờ vào mấy trăm nghìn đồng tiền trợ cấp xã hội của đứa con gái bị bệnh tâm thần và tiền lời từ việc bán hàng rong. Tưởng chừng cuộc sống sẽ chật vật hơn khi "ai ở đâu ở yên đấy" đã ảnh hưởng đến việc mưu sinh hằng ngày của gia đình bà. Nhưng không, chỉ hai ngày sau khi bị phong tỏa, bà Côi đã được Tiểu ban an sinh xã hội của thành phố trao tặng phần quà trị giá 435.000 đồng, gồm gạo, mỳ tôm, dầu ăn, nước mắm. Những ngày sau đó, bà Côi phấn khởi được doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường trao tặng 500.000 đồng tiền mặt, Tòa Giám mục Thanh Hóa trao phần quà trị giá 500.000 đồng là các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống. Những phần quà ấy đã giúp bà Côi không phải "đứt bữa" khi nghỉ bán hàng. Bà Nguyễn Thị Thoa, tổ trưởng tổ dân phố 9 cho biết: "Không riêng gì bà Côi, một số gia đình khó khăn khác trong 2 khu phong tỏa của phố 9 cũng vui mừng, phấn khởi khi đón nhận sự quan tâm, đùm bọc của các tập thể, cá nhân, giúp họ yên tâm thực hiện tốt việc cách ly để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan".

Tại phố Thành Yên, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa), tổ giám sát cộng đồng đã đến thăm và trao quà cho cụ bà Bùi Thị Khá vào một buổi sáng ngày thành phố còn giãn cách xã hội, nhìn thấy cụ thân hình nhỏ bé, nằm co quắp bên chiếc giường cũ trong căn nhà lụp xụp, mọi người ai cũng thương cảm. Cụ Khá năm nay 102 tuổi, cụ sống một mình vì không có chồng con. Dù tuổi cao nhưng lâu nay cụ vẫn đi lại được và tự chăm sóc bản thân. Vừa qua, chẳng may cụ bị ngã nên giờ phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều dựa vào người em trai cũng đã cao tuổi. Để chia sẻ với hoàn cảnh của cụ, phố Thành Yên đã dành phần quà gồm sữa, các nhu yếu phẩm và một phần tiền gửi tặng cụ, giúp cụ Khá vượt qua thời gian phải giãn cách. Niềm vui hiện hữu trên khuôn mặt cụ Khá và người em trai của cụ. Niềm vui ấy không nói thành lời, chỉ có cái nắm tay siết chặt thay cho lời cảm ơn mà cụ Khá muốn gửi đến những người trong ban cán sự phố Thành Yên.

Thanh Hóa: Chung tay hỗ trợ "người yếm thế" bởi dịch bệnh - Ảnh 2.

ảnh minh họa

Với mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau", trong những ngày giãn xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP Thanh Hóa đã trao gói hỗ trợ cho 74 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở khu phong tỏa phường Ba Đình, Ngọc Trạo, Lam Sơn, Quảng Thịnh; trao hỗ trợ cho 23 hộ đồng bào dân tộc Chăm, tỉnh Ninh Thuận bán thuốc nam gia truyền gặp khó do đại dịch; trao 81 suất quà cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực. Thành phố cũng vận động các đơn vị trao tặng hơn 400 gói an sinh xã hội cho các phường Lam Sơn, Ngọc Trạo, Đông Vệ, nơi có các khu dân cư bị phong toả. Đối với người lang thang vô gia cư, thành phố đã đưa 2 người vào Bệnh viện Tâm thần tỉnh để chăm sóc, chữa trị và 1 người vào Trung tâm Bảo trợ số 2 nuôi dưỡng tạm thời. Các phường, xã cũng đã chủ động xây dựng phương án đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, thành lập các tổ mua, đóng gói, tiếp nhận, cấp phát gói an sinh xã hội để kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Không riêng gì tại Tp. Thanh Hóa, ở khác huyện khác trên địa bàn tỉnh công tác an sinh, hỗ trợ người yếm thế trong mùa dịch cũng được các cấp chính quyền phát huy mạnh mẽ.

Trở về từ Bình Dương, chị N.T.H., thôn Mỹ Thanh, xã Tân Thọ (Nông Cống) cùng con trai được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Chồng chị mới qua đời cách đây hơn một tháng vì bệnh hiểm nghèo, con trai chị mắc bệnh ung thư máu, giờ cả 2 mẹ con lại đều là F0. Khi dịch bệnh bùng phát ở Bình Dương, mất việc cuộc sống rơi vào bế tắc khiến chị phải cùng con nhỏ trở về quê hương. Hiện, cả 2 mẹ con chị đang được điều trị tại bệnh viện Phổi. Để san sẻ phần nào khó khăn cùng chị, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Nông Cống phối hợp với Hội CTĐ tỉnh đã đến trao số tiền 2 triệu đồng cho người thân trong gia đình để chuyển đến chị. Trong lúc nghèo khó, hoạn nạn, chị N.T.H. nhận được sự động viên kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần của các cấp chính quyền cũng như bà con lối xóm đã phần nào giúp chị vững tin hơn vào cuộc sống.

Anh Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Nông Cống cho biết: "Với tinh thần tương thân tương ái, không người dân nào bị bỏ lại phía sau. Những mảnh đời khốn khó, những hoàn cảnh éo le đều nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ từ các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và nhà hảo tâm. Trong những ngày toàn huyện Nông Cống thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, các xã, thị trấn đã trao kịp thời 1.500 suất quà của Tỉnh ủy cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Quỹ thiện nguyện Hỷ Liên Tâm, TP Hồ Chí Minh trao 100 suất quà cho người dân nghèo, cận nghèo xã Vạn Hòa, thị trấn Nông Cống; Công ty CP Dầu khí Á Đông và Công ty VIN.LS Thanh Hóa trao các nhu yếu phẩm cho 53 người khiếm thị trên địa bàn huyện... Còn rất nhiều những phần quà được trao cho người dân ở khu cách ly tập trung hay lực lượng làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch. Chưa bao giờ tình người lại tỏa sáng đến thế, giá trị của việc trao đi đúng lúc đã làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn".

Có thể thấy, chưa bao giờ tình cảm và trách nhiệm với người nghèo, người có hoàn cảnh không may mắn lại được cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội quan tâm như hiện nay. Truyền thống "tương thân tương ái" cùng những việc làm nghĩa tình của các tập thể, cá nhân, các tổ chức thiện nguyện đã giúp cho nhiều cảnh đời bất hạnh, kém may mắn có thêm niềm tin để hướng đến ngày mai tốt đẹp hơn. Sự trợ giúp về vật chất cho những hoàn cảnh khó khăn tuy chưa phải là nhiều, nhưng cái được hơn cả là lòng yêu thương con người trong cộng đồng được gắn kết, chia sẻ, nhân rộng.

Nhìn một cách tích cực, thời  gian giãn cách cũng là lúc để chúng ta sống tĩnh, sống chậm, để hình thành những thói quen bổ ích mới. Dịch bệnh không là cái cớ để cách xa nhau, nó càng là lý do để chúng ta đưa tay ra để dìu dắt lẫn nhau, che chở để bảo vệ những người dễ bị tổn thương giữa bão dịch. Dịch bệnh bùng phát cũng là thời điểm mọi người thấy được sự trách nhiệm và tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng. Có lẽ càng trong gian khó thì sự tương thân tương ái càng hiện hữu.

Yến Hoàng
Từ khóa: Thanh Hóa
Ý kiến của bạn
Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão

Theo các chuyên gia, khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão, người dân cần nhớ và tuân thủ một số lưu ý như: kiểm tra thời tiết, giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, sử dụng đèn chiếu sáng… nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho bản thân và những người xung quanh.