Thanh Hóa: Chuyển đổi số “chắp cánh” cho du lịch phát triển

Địa phương
11:09 AM 14/10/2024

Thời gian qua, ngành du lịch Thanh Hóa đã có nhiều cách làm sáng tạo trong truyền thông, quảng bá du lịch trên các nền tảng số góp phần đưa hình ảnh du lịch xứ Thanh đi xa hơn và đến gần hơn với du khách.

Từ chỗ chỉ thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn, thì nay công tác quản lý, hoạt động kinh doanh, quảng bá du lịch... đã được hầu hết các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đưa lên môi trường số.

Thanh Hóa: Chuyển đổi số “chắp cánh” cho du lịch phát triển- Ảnh 1.

Các địa điểm như Sunworld Sầm Sơn hoạt động hết công suất trong dịp nghỉ lễ 2/9

Cùng với đó, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch đang trở thành xu thế tất yếu, góp phần quan trọng để du lịch cả nước, trong đó có du lịch Thanh Hóa phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19; bắt kịp đà phát triển nhanh chóng, hiện đại của du lịch toàn thế giới.

Cụ thể, tại Thanh Hóa, cổng thông tin du lịch tại địa chỉ dulichthanhhoa.org ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và du khách. Cổng thông tin không chỉ cập nhật nội dung tin tức du lịch trong tỉnh mà còn đa dạng thông tin về các hành trình liên kết, gợi ý lịch trình, phương tiện di chuyển, giúp du khách chủ động hơn trong mỗi chuyến đi cũng như việc tìm kiếm dịch vụ, địa điểm lưu trú, ẩm thực phù hợp với sở thích của mình. 

Thông qua đó, du khách có thêm dữ liệu, thông tin về các khách sạn, resort, villa, homestay tại Thanh Hóa và các địa điểm du lịch khắp cả nước. Cùng với đó, hàng trăm tin, bài giới thiệu, cập nhật các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch diễn ra trên địa bàn tỉnh. Đi cùng với hình ảnh du lịch Thanh Hóa những năm gần đây được cặp nhật, giới thiệu rộng rãi đến du khách qua các trang mạng xã hội tạo sự lan tỏa lớn, sâu rộng, thu hút du khách với thông điệp "Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa".

Cùng với những quyết sách sát, đúng và cách làm sáng tạo; dự án du lịch thông minh và thực hiện thành công số hóa, nên nhiều địa điểm du lịch của Thanh Hóa đã tiến một bước dài, với các tính năng: Trải nghiệm du lịch VR 360; trải nghiệm du lịch nội khu bằng công nghệ thực tế ảo tăng cường AR; tìm kiếm và tra cứu thông tin du lịch... Hiện tạii tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Mobifone thực hiện số hóa du lịch tại các địa danh nổi tiếng như: Khu di tích Lam Kinh, Pù Luông, Thành nhà Hồ, Đền Nưa - Am Tiên. Tiếp theo sẽ tập trung phát triển các tính năng nâng cao về kết nối các tổ chức lưu trú, lữ hành, nhà hàng, khu giải trí đã mang lại hiệu quả cao, bền vững.

Ví như Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh là một trong những địa điểm du lịch được chọn để thực hiện giai đoạn 1 của dự án này. Du khách tới tham quan sẽ được thuyết minh viên hướng dẫn cài đặt ứng dụng MobiFone Smart Travel. Trong điều kiện không có thuyết minh viên, bảng hướng dẫn chi tiết được đặt ngay tại vị trí trung tâm là Ngọ Môn của khu di tích, sẽ giúp du khách có thể cài đặt và sử dụng ứng dụng một cách dễ dàng.

Cùng với Khu di tích Lam Kinh, trên môi trường số, tại nhiều địa điểm như: Thành Nhà Hồ, Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, Di tích lịch sử Đền Nưa - Am Tiên, Khu danh thắng Sầm Sơn, Bảo tàng tỉnh... đã được giới thiệu một cách sống động. Thông qua các ứng dụng số như thực tế ảo (VR), tương tác thực ảo (AR), cùng với hệ thống thuyết minh tự động hoặc quét mà QR, du khách có thể tìm hiểu thông tin về điểm đến một cách chủ động, trải nghiệm không gian đa chiều, toàn cảnh, chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch.

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý, kinh doanh dịch vụ trong thời gian gần đây ở Thanh Hóa đã được hầu hết các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng website, số hóa dữ liệu, kinh doanh trên nền tảng số. Một số đơn vị lữ hành như Lạc Hồng Travel, Lê Gia Travel, VNPLus Travel, Hữu Nghị tour, Long Hải Travel... đã đẩy mạnh giới thiệu, cung cấp tour và dịch vụ online trên các nền tảng mạng xã hội, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và đẩy mạnh tiếp cận khách hàng qua các kênh online.

Thanh Hóa: Chuyển đổi số “chắp cánh” cho du lịch phát triển- Ảnh 2.

Thành nhà Hồ - thành lũy bằng đá độc đáo bậc nhất trên thế giới.

Ông Nguyễn Minh Hiệu, Giám đốc điều hành Công ty CP Du lịch quốc tế Hữu Nghị (TP. Thanh Hóa), vui mừng cho biết: "Những năm gần đây, việc áp dụng công nghệ số đã được Công ty chúng tôi triển khai đồng loạt từ công tác chăm sóc khách hàng, quảng bá sản phẩm, dịch vụ đến quản lý các hoạt động chung của công ty. Nhờ đó, không chỉ tiết giảm được thời gian và chi phí, mà còn giúp tối ưu hóa công tác quản lý, vận hành mọi hoạt động, mang đến cho du khách những trải nghiệm dịch vụ tốt hơn. Điển hình là thông qua các trang mạng xã hội hay website của chúng tôi, khách hàng có thể dễ dàng so sánh và tìm hiểu về chương trình tour, vừa thuận tiện cho khách hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ cũng không mất nhiều thời gian tư vấn như cách làm truyền thống trước đây".

Hơn thế nữa, các cơ sở lưu trú, từ khi sử dụng một số phần mềm quản lý, kiểm soát chặt chẽ ở các khâu, giảm bớt nhân sự và nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Trong đó, phần mềm ASM đang được nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú áp dụng, với 4 chức năng chính gồm: quản lý cơ sở lưu trú; quản lý khách lưu trú tại cơ sở; quản lý các dịch vụ cung cấp; quản lý nhân viên thông qua quy trình từ khi tiếp nhận khách lưu trú tới lúc trả phòng. Qua đó vừa giúp cơ sở kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước tiết giảm quy trình lưu trữ hồ sơ, giấy tờ và nhanh chóng trong khâu đón tiếp, phục vụ du khách.

Nhìn một cách tổng quát, công nghệ số đã mang lại nhiều lợi ích và cả những tiện ích không chỉ cho du khách mà cả cho địa phương, doanh nghiệp phục vụ du lịch. Chính vì thế, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thuộc dự án "Xây dựng cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tại Thanh Hóa"; triển khai dự án duy trì hoạt động hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý các hoạt đông du lịch tỉnh Thanh Hóa năm 2024. 

Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ chuyển đổi số tại một số doanh nghiệp và khu du lịch trọng điểm, với các nội dung ưu tiên như phát triển hạ tầng số, nền tảng số quản trị thông minh, tập huấn chuyển đổi số... nhằm thúc đẩy chuyển đổi số một cách đồng bộ, hiệu quả trong lĩnh vực du lịch.

Việc sử dụng phần mềm quản lý du lịch ở Thanh Hóa trong thời gian gần đây đã tối ưu hóa được vấn đề lịch trình, quản lý nhân sự, cũng như là theo dõi hiệu suất kinh doanh, quản trị khách hàng, duy trì và tương tác với khách hàng tiềm năng tốt hơn. Việc chuyển đổi số giúp doanh nghiệp kinh doanh du lịch, ngành du lịch tích hợp được nhiều biện pháp bảo vệ, bảo mật dữ liệu tốt hơn.

Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch là giải pháp quan trọng để ngành du lịch Thanh Hóa hoàn thành mục tiêu đón trên 13,8 triệu lượt khách trong năm 2024, tổng thu du lịch đạt trên 32.300 tỷ đồng.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ? Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ?

Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.