Thanh Hóa: Cơ hội để “cất cánh” và trỗi dậy mạnh mẽ

Địa phương
03:17 PM 20/10/2021

Nghị quyết số 58NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ quan điểm xây dựng và phát triển Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển kinh tế phía Bắc. Mặc dù có những khó khăn về đại dịch COVID- 19, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng đầu năm 2021 vẫn giữ vững và ổn định, một số lĩnh vực tiếp tục có bước phát triển khá. Trong đó, hoạt động sản xuất kinh doanh ở các ngành, lĩnh vực có bước tăng trưởng mạnh.

Thanh Hóa: Cơ hội để “cất cánh” và trỗi dậy mạnh mẽ - Ảnh 1.

Cảng hàng không Thọ Xuân.

Cảm hứng phát triển mới của Thanh Hóa

Để đạt mục tiêu như NQ số 58 NQ/TW, Thanh Hóa cần có cảm hứng phát triển kinh tế mới như thế nào để thực hiện những giải pháp mang tính chiến lược đề ra. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng thời gian qua Thanh Hóa nhờ "Tứ Sơn" mà trỗi dậy mạnh mẽ. Có lẽ nhờ sự trỗi dậy này mà Thanh Hóa rất tự tin khi đặt vấn đề cùng ba tỉnh Bắc Bộ hợp thành "Tứ giác phát triển". Ông Thiêm nhấn mạnh, cảm hứng phát triển kinh tế mới của Thanh Hóa sẽ đến từ những "đại bàng" quốc tịch Việt.

Ý tưởng đưa Thanh Hóa trở thành một điểm trong "tứ giác phát triển" kinh tế phía Bắc rất đúng, cho thấy tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Việc nhấn mạnh trở thành một điểm trong "tứ giác" kết nối với các trung tâm lớn của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là ý tưởng hay. Không gian phát triển cho Thanh Hóa được mở ra, có động lực mạnh hơn. Kết nối và khai thác được lợi thế từ các trung tâm lớn ở phía Bắc, Thanh Hóa sẽ bùng lên. 

Đây là lựa chọn thông minh. Đồng thời cũng là vận hội mới để nhìn lại một cách căn cơ nhất về những tiềm năng, thế mạnh, điều kiện tự nhiên, con người, về truyền thống lịch sử, văn hóa, cũng như những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với Thanh Hóa.

Thực tế những năm gần đây, Thanh Hóa trỗi dậy khá mạnh. Trước đây, Thanh Hóa phát triển dựa vào "Tứ Sơn": Nghi Sơn, Lam Sơn, Sầm Sơn, Bỉm Sơn. Mỗi "Sơn" với một lợi thế riêng, tạo thành cực tăng trưởng của Thanh Hóa. Ngày nay vẫn là tọa độ phát triển chính của tỉnh, nhưng vai vế có thay đổi.

Thanh Hóa: Cơ hội để “cất cánh” và trỗi dậy mạnh mẽ - Ảnh 2.

Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, điểm sáng trong thu hút đầu tư ở tỉnh Thanh Hóa.

Nghi Sơn có sự bứt phá vượt trội hơn so với ba "cực" còn lại, đã trở thành Khu kinh tế giàu tiềm năng và mạnh tiềm lực. Nghi Sơn đang trở thành điểm bùng nổ "Nam Thanh - Bắc Nghệ", giúp Thanh Hóa trở thành trung tâm tăng trưởng lớn, có thể kết nối và lan tỏa phát triển mạnh với vùng Bắc Trung bộ.

Sầm Sơn được xác định chức năng kết nối với TP. Thanh Hóa, là tọa độ du lịch lớn. Mấy năm qua, Sầm Sơn đã được đầu tư rất nhiều. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của Sầm Sơn vẫn chưa tăng tương xứng. Sầm Sơn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, cũng có nghĩa là còn nhiều dư địa để phát triển.

Bỉm Sơn được định hướng phát triển thành Trung tâm công nghiệp vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, sức bật và độ lan tỏa của Bỉm Sơn không đủ mạnh và bền nên vai trò có phần mờ hơn.

Thanh Hóa lấy Lam Sơn làm cực tăng trưởng miền Tây, vùng có nhiều triển vọng rất lớn. Trước đây, Lam Sơn phát triển nhờ mía đường, cột trụ Đường Lam Sơn của ông Lê Văn Tam, người có công kéo cả vùng miền Tây Thanh Hóa nghèo khó vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gắn với công nghiệp. 

Hiện tại, ngành mía đường đang gặp khó khăn. Nhưng Thanh Hóa vẫn chọn Lam Sơn làm một "trụ cột" phát triển cho giai đoạn tới. Đó là lựa chọn đúng, vì tiềm năng lợi thế miền Tây Thanh Hóa, là rất lớn.

Có ý kiến cho rằng: Thanh Hóa nhờ "Tứ Sơn" mà trỗi dậy mạnh mẽ. Có lẽ nhờ sự trỗi dậy này mà Thanh Hóa rất tự tin khi đặt vấn đề cùng ba tỉnh Bắc Bộ hợp thành "Tứ giác phát triển". Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, để thực hiện được ý tưởng độc đáo này, có lẽ Thanh Hóa phải chủ động định hình rõ hơn nội hàm ý tưởng, để bàn với Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội về chức năng và phương thức liên kết. 

Hoặc tự Thanh Hóa phải chủ động đưa mình vào không gian "tứ giác" trước, từ đó, định hình cách liên kết phát triển với các tọa độ còn lại. Tuy nhiên, từ tầm nhìn và tư duy mới của Thanh Hóa, cộng thêm những sung lực từ các nhà đầu tư tầm cỡ, dễ nhận thấy Thanh Hóa có những cơ hội để "cất cánh" và trỗi dậy mạnh mẽ trong thập niên tới, thực hiện sứ mệnh tạo cú hích cho cả khu vực Bắc Trung Bộ phát triển.

Một đòi hỏi tất yếu

Vấn đề quan trọng hàng đầu vẫn là tầm nhìn quy hoạch, "phải có bài bản, lớp lang", như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói. Thanh Hóa cần định hình rõ chiến lược phát triển lấy công nghiệp làm trọng tâm, du lịch làm mũi nhọn đột phá, trên cơ sở đó, tập trung thu hút "đại bàng" đến làm tổ, hợp sức đưa Thanh Hóa trỗi dậy thực sự. Với ý tưởng rất tốt về cách lựa chọn hướng phát triển miền Tây Thanh Hóa. 

Phát triển Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Tổ quốc; là đòi hỏi tất yếu. Việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến dự thảo Nghị quyết các cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hoá, sẽ là cơ hội có một không hai, tạo ra bước đột phá trong thu hút đầu tư nói riêng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Trên các mục tiêu cụ thể, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phấn khởi cho rằng: Việc thí điểm cơ chế đặc thù đối với tỉnh Thanh Hóa đồng thời cũng trả lời cho câu hỏi, Thanh Hóa chọn cái gì để tạo ra bước đột phá trong thu hút đầu tư nói riêng, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nói chung. 

Nó cũng "đánh" trúng tâm lý của nhà đầu tư, doanh nghiệp rằng, họ cần gì, được hưởng lợi gì khi đầu tư vào Thanh Hóa. Chúng tôi tin tưởng khi Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua sẽ tạo ra thời cơ mới, vận hội mới để Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Nói về "mũi nhọn" du lịch, gần đây, khi có một số nhà đầu tư lớn vào làm du lịch thì chân dung du lịch Sầm Sơn đã được cải thiện đáng kể. Văn hóa làm du lịch của người dân cũng được đẩy lên. Nhưng vẫn chưa đủ để biến Sầm Sơn thành tọa độ du lịch có thể so sánh với Đà Nẵng, Hạ Long hay Nha Trang…

Thanh Hóa: Cơ hội để “cất cánh” và trỗi dậy mạnh mẽ - Ảnh 3.

TP. Sầm Sơn có những bước đột phá trong phát triển du lịch những năm gần đây.

Bởi, du lịch không phải chỉ có một điểm đến, càng không phải chỉ là đi tắm biển. Thiếu nơi vui chơi giải trí. Thiếu sản phẩm du lịch, thiếu tọa độ liên kết - đây chính là vấn đề Thanh Hóa phải quan tâm. Trong khi đó Thanh Hóa có nhiều tài nguyên du lịch, tiềm năng to lớn và đặc sắc. Điều đó không thể phủ nhận. Nhưng vấn đề là Thanh Hóa cần kết nối các điểm du lịch trong tỉnh với nhau như thế nào; kết nối thành chuỗi với Ninh Bình, Nghệ An… 

Lại còn kết nối với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trong khuôn khổ "Tứ giác phát triển", có thể coi đây là tiền đề quan trọng để bứt phá! Nhưng như ý kiến của ông Lê Tất Thắng - Bí thư Thành ủy TP Sầm Sơn, cho rằng: Thiếu hụt cũng chính là khoảng mở, là dư địa tốt cho phát triển tương lai. Vì thế, có thể nói Thanh Hóa đang định hình tầm nhìn có sức thuyết phục. Chúng ta tin du lịch Thanh Hóa sẽ bùng nổ, trong đó Sầm Sơn sẽ là điểm đến hấp dẫn, kể cả với du khách quốc tế.

Chúng tôi đồng tình với ý kiến xác đáng của PGS.TS Trần Đình Thiêm: Cái cốt lõi là thu hút được những con "đại bàng" đủ năng lực tạo chân dung phát triển cho chính nơi mời gọi và được chọn. Đó là vai trò của các Tập đoàn kinh tế như Sun Group, Vingroup, v.v…; đến những gì mà những Tập đoàn này đã làm được, và đang tiếp tục làm, ở Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang và Phú Quốc.

Những kinh nghiệm này là đặc biệt quý báu, cần được Thanh Hóa mổ xẻ công phu, để đúc kết thành cái gọi là "lợi thế đi sau" của tỉnh trong phát triển. Không nghi ngờ gì tác động bùng nổ và lan tỏa phát triển mạnh mẽ khi Sun Group đầu tư vào Sầm Sơn. Bởi, Sun Group có thế mạnh trong việc phát triển thị trường, nhất là thị trường khách quốc tế. Sun Group còn đem đến cách làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp, nâng tầm đẳng cấp du lịch cho cả tỉnh, có thể lôi kéo rất nhiều nhà đầu tư khác đến đây.

Có thể nói "Tứ Sơn" - 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh đã, đang trở thành tâm điểm thu hút đầu tư, đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và có tác động lan tỏa đối với các địa phương khác. Thành quả đó đã tiếp thêm sức mạnh to lớn cho Thanh Hóa không ngừng phát triển, là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Internet Day 2024: Bứt phá với DC, Cloud, 5G & AI Internet Day 2024: Bứt phá với DC, Cloud, 5G & AI

Ngày 27/11, tại Hà Nội, sự kiện thường niên Internet Day 2024 sẽ diễn ra với chủ đề "Bước tiến mới cho Internet Việt Nam (Bứt phá với DC, Cloud, 5G & AI)". Đây là cơ hội để ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam nhìn lại những thành tựu và đặt nền móng cho những bước phát triển đột phá trong thời đại công nghệ kết nối hiện đại.