Thanh Hóa: Cơ hội để trở thành nhà cung cấp dịch vụ của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Việt Nam; đồng thời là tổ hợp hóa dầu chế biến sâu, phức tạp nhất trong lĩnh vực lọc hóa dầu tại Việt Nam và khu vực. Với việc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) ra mắt Cổng thông tin nhà cung cấp đã tạo cơ hội để các ngành công nghiệp phát triển các dịch vụ cung ứng đầu vào cho nhà máy…
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD, công suất chế biến giai đoạn 1 là 200.000 nghìn thùng dầu thô mỗi ngày (tương đương 10 triệu tấn mỗi năm). Đây là một trong những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Việt Nam; đồng thời là tổ hợp hóa dầu chế biến sâu, phức tạp nhất trong lĩnh vực lọc hóa dầu tại Việt Nam và khu vực, với 38 phân xưởng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới.
Từ khi đi vào vận hành, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đáp ứng gần 40% nhu cầu xăng, dầu trong nước, góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời tạo ra bước tăng trưởng đột biến về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn và tạo cơ hội phát triển các dịch vụ cung ứng đầu vào cho nhà máy.
Thông tin từ NSRP, hiện có tới 78% hợp đồng của NSRP được thực hiện với các nhà cung ứng, chiếm tỷ lệ 7% các nhà cung cấp có trụ sở tại tỉnh Thanh Hóa.
Trong đợt bảo dưỡng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn lần thứ nhất vào cuối năm 2023, Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật PTSC Thanh Hóa (PTSC Thanh Hóa) là 1 trong 5 nhà thầu chính thực hiện công việc bảo dưỡng toàn bộ nhà máy. Gói thầu do PTSC Thanh Hóa đảm nhiệm bao gồm thiết bị công nghệ cao như nồi hơi, tuabin máy phát điện, đường ống vận hành với áp suất cao, nhiệt độ cao, hệ thống thiết bị điều khiển và các thiết bị cơ khí khác.
Theo đại diện PTSC Thanh Hóa, đơn vị đã huy động 800 chuyên gia và thợ lành nghề tham gia gói thầu. Từ kinh nghiệm nhiều năm của PTSC trong lĩnh vực bảo dưỡng, sửa chữa trong các ngành công nghiệp dầu khí, đạm, điện, xi măng, hóa chất,... PTSC Thanh Hóa đã chủ động tổ chức triển khai quản lý dự án một cách khoa học và chuyên nghiệp, trở thành nhà thầu dẫn đầu đạt các tiêu chí về an toàn, chất lượng và tiến độ đáp ứng yêu cầu ngặt nghèo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP).
Với 300.000 giờ làm việc an toàn tuyệt đối, gói thầu do PTCS Thanh Hóa đảm nhiệm đã hoàn thành xuất sắc các hạng mục công việc trước 3 ngày so với dự kiến, là điều kiện quan trọng để nhà vận hành trở lại sớm hơn dự kiến.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - ông Kazutaka Yamato đã khẳng định vai trò quan trọng của các nhà cung cấp đối với sự phát triển bền vững của NSRP; đồng thời khẳng định và tin tưởng mạnh mẽ rằng, các nhà cung ứng địa phương sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với NSRP mà còn đối với sự phát triển năng lực chung cho các nhà cung ứng địa phương, đã góp phần đưa Khu kinh tế Nghi Sơn cũng như tỉnh Thanh Hóa trở thành trung tâm dầu khí tại Việt Nam.
"Sự phát triển năng lực và khả năng đáp ứng của các nhà cung ứng địa phương sẽ giúp chúng tôi giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng nước ngoài mà không ảnh hưởng đến chất lượng, giao hàng đúng hạn và với chi phí cạnh tranh. Về các yêu cầu cơ bản của NSRP mà tất cả các nhà cung ứng cần đáp ứng để trở thành nhà cung ứng NSRP thành công. Các yêu cầu gồm các tiêu chuẩn về an toàn sức khỏe, an ninh môi trường (HSSE), tuân thủ pháp lý kỹ thuật, cũng như các quy trình mua sắm".
Ông Phạm Hùng Phương, Giám đốc PTSC Thanh Hóa cho biết: Ngoài cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa lớn cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, PTSC Thanh Hóa hiện nay đang cung cấp 8 chiếc tàu lai dắt và dịch vụ để bảo hỗ trợ lai dắt truyệt đối an toàn tất cả các tàu cung ứng dầu thô vào cảng của lọc hóa dầu Nghi Sơn, đặc biệt các tàu siêu trường, siêu trọng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, có 678 chuyến tàu dầu được PTSC Thanh Hoa lại dắt thành công. Con số tính từ thời điểm triển khai dự án đến nay là hơn 7.000 chuyến tàu, với 2,7 triệu giờ làm việc an toàn. Riêng số lượng tàu VLCC (tàu dầu thô lớn nhất thế giới) do PTSC Thanh Hóa hỗ trợ lai dắt thành công đã đạt mốc chuyến 200".
Có trụ sở tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Công ty TNHH Cơ khí xây dựng và thương mại quốc tế HB cũng là nhà thầu cung cấp hàng hóa vật tư thiết bị ống cơ khí. Chị Dương Hồng, quản lý thương mại Công ty chia sẻ: "Công ty chúng tôi đã hợp tác cung cấp vật tư cơ khí cho nhà máy 4 năm. Chúng tôi đang nỗ lực tăng năng lực, chất lượng sản phẩm cũng như đội ngũ nhân lực để tiếp tục tham gia đấu thầu thành công thêm các hạng mục công việc trong thời gian tới, góp phần tăng doanh thu và tạo thêm việc làm cho người lao động".
Theo ông Kazutaka Yamato, Tổng Giám đốc NSRP, công ty rất chú trọng và mong muốn nhiều cơ hội hợp tác với các nhà cung cấp địa phương. Minh chứng điều này là hiện công ty có tới 78% hợp đồng của NSRP được thực hiện với các nhà cung ứng địa phương. Trong đó, số lượng nhà cung ứng tại Thanh Hóa là 57/652, chiếm tỷ lệ 7%.
Để mở ra cơ hội và tăng khả năng kết nối cho các nhà cung cấp địa phương, mới đây, NSRP đã tổ chức hội thảo phát triển doanh nghiệp và nhà cung cấp địa phương. Thông qua hội thảo, NSRP và đối tác đã cung cấp chi tiết, toàn diện về các yêu cầu cơ bản của NSRP mà tất cả các nhà cung ứng cần đáp ứng.
Theo đó, các đại biểu, DN, đối tác có thêm nhiều cơ hội tìm hiểu, mong muốn kết nối, đề nghị các hình thức công khai danh mục, cơ cấu dịch vụ cung ứng sản phẩm, nguyên liệu đầu vào; cũng như các tiêu chuẩn, điều kiện của NSRP để các DN Việt Nam nói chung và DN Thanh Hóa nói riêng có thể dễ dàng tiếp cận, tập trung nghiên cứu các tiêu chuẩn, điều kiện của công ty, từ đó có phương án đáp ứng các yêu cầu và điều kiện đặt ra.
Về nội dung này, ông Nguyễn Văn Thi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, hiện nay năng lực của các nhà cung cấp địa phương nói chung và các DN của tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã cải thiện đáng kể cả về kiến thức, kinh nghiệm, với chất lượng, thời gian giao hàng. Đặc biệt, việc sử dụng các nhà cung cấp địa phương sẽ có chi phí thấp hơn rất nhiều so với các nhà cung cấp nước ngoài.
Triều NguyệtBộ KH&ĐT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chấp thuận đề xuất của UBND TP Hà Nội về dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai.