Thanh Hóa có hơn 2.000 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm

Địa phương
02:23 PM 27/12/2022

Thanh Hóa hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên, với số tiền nợ hơn 410 tỷ đồng…

Nhiều năm qua, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước.

Theo thông tin từ Bảo hiểm tỉnh Thanh Hóa tính, đến hết ngày 30/11/2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn có tới 2.012 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên, với số tiền nợ là 410,377 tỷ đồng.

Trong đó, có 623 mã đơn vị nợ từ 03 đến dưới 06 tháng với số tiền nợ hơn 39 tỷ đồng; 372 mã đơn vị nợ từ 6 đến dưới 12 tháng với số tiền nợ gần 31 tỷ đồng; 483 mã đơn vị nợ từ 12 tháng trở lên với số tiền nợ gần 230 tỷ đồng; 534 mã đơn vị nợ khó thu (giải thể, phá sản, dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ bỏ trốn...) đã dừng tính lãi với số tiền nợ hơn 110 tỷ đồng.

Thanh Hóa có hơn 2.000 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm - Ảnh 1.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh minh họa

Tình trạng chây ì, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở nhiều doanh nghiệp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành nhiều công văn yêu cầu giám đốc các sở; trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt các đơn vị trực thuộc nghiêm túc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; dành nguồn kinh phí để trích nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định; tuyệt đối không để phát sinh nợ đọng.

Thời gian qua, mặc dù BHXH tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiều đợt thanh, kiểm tra, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không chấp hành nghiêm kết luận thanh tra. Trong số các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXT, BHYT, BHTN, có một số doanh nghiệp chây ì với số nợ lớn, thời gian nợ kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng phân công trách nhiệm cho cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thu nợ; hằng tháng gửi Thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến chủ sử dụng lao động và cử cán bộ chuyên quản đến đơn vị quyết liệt để đôn đốc nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Cơ quan bảo hiểm đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp, đơn vị chây ỳ, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như: Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tuy nhiên nhiều đơn vị vẫn chưa phục hồi được, nhất là đơn vị có số lao động lớn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; một số đơn vị ngừng hoạt động không có khả năng thanh toán; một số đơn vị chậm được thanh toán vốn các hợp đồng, công trình, dự án dẫn đến không nộp được tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Ngoài ra, xuất phát từ ý thức tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động chưa nghiêm, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc thu nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, một số đơn vị hành chính sự nghiệp thụ hưởng ngân sách nhà nước cũng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Do việc xử lý sau thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp nợ còn nhiều hạn chế, chưa có biện pháp xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Nhiều doanh nghiệp không thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra.

Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã có công văn 3511 ngày về tăng cường giải pháp thực hiện giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp những tháng cuối năm 2022.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Giám đốc bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội số tiền lớn, thời gian chậm đóng kéo dài.

Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tổ chức các buổi làm việc với doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội để đôn đốc, yêu cầu doanh nghiệp đóng đầy đủ số tiền chậm đóng, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới. Các đơn vị này cần tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng đối với doanh nghiệp chậm đóng từ 03 tháng trở lên, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

Đối với đơn vị đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa thực hiện hoặc cố tình chây ì không thực hiện thì ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền được quy định tại khoản 44 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020.

Nâng cao chất lượng các đoàn thanh tra, kiểm tra, Lãnh đạo bảo hiểm xã hội tỉnh, Trưởng các đoàn thanh tra, kiểm tra chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc về kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm đối với doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra theo quy định.

Cùng với các giải pháp của cơ quan chức năng, người lao động tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT cũng cần nâng cao kiến thức pháp luật, chủ động đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm. Và để không còn tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài, nợ với số tiền lớn; đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, cần sự mạnh tay hơn nữa trong thực hiện Nghị quyết số 05 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đối với các doanh nghiệp cố tình chây ì BHXH, BHYT, BHTN.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm Năm 2025, lãi suất cho vay nhà ở xã hội giảm xuống 4,7%/năm

Lãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.