Thanh Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi để du lịch trở lại trạng thái “bình thường mới”

Địa phương
04:59 PM 10/10/2021

Sự xuất hiện và kéo dài của đại dịch COVID-19 suốt gần 2 năm nay, đã khiến cho hoạt động du lịch Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng đang rơi vào trạng thái “đóng băng”, các chuỗi cung ứng dịch vụ bị ngưng trệ. Do vậy, để đưa hoạt động du lịch trở lại trạng thái “ bình thường mới” đang là vấn đề đặt ra cho ngành chức năng và các địa phương.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân trong tỉnh, Thanh Hóa đã qua 25 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và đã trở thành "vùng xanh" trên bản đồ phòng, chống dịch COVID-19 của cả nước. Đây là điều kiện thuận lợi cho du lịch Thanh Hoá mở cửa, sớm hoạt động trở lại, nhưng cũng là thách thức trong việc thu hút khách du lịch an toàn trong bối cảnh hiện nay.

Để đảm bảo "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch an toàn vừa phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã xác định lộ trình mở cửa từng bước, theo tiêu chí "An toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn". Trước hết là khách du lịch nội tỉnh với các "điểm xanh", tiếp đến là khách du lịch tỉnh ngoài đến từ các "vùng xanh"; sau đó sẽ mở ra đón khách du lịch trong nước và quốc tế khi đạt được "miễn dịch cộng đồng" với độ bao phủ của vắc xin phòng COVID-19 trong cả nước và trên thế giới.

Thanh Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi để du lịch trở lại trạng thái “bình thường mới” - Ảnh 1.

Phối cảnh tổng thể Khu nghỉ dưỡng sinh thái Pù Luông Bocbandi Retreat.

Tính đến hết năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận 12 khu du lịch cấp tỉnh và 57 điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, có các khu, điểm du lịch trọng điểm như Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến, Hàm Rồng, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Bến En, suối cá Cẩm Lương... Các khu du lịch nghỉ dưỡng biển tại Sầm Sơn, Hải Tiến và Hải Hòa đã từng bước tạo dựng được thương hiệu tại khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung. Du lịch nghỉ dưỡng cũng là nhóm sản phẩm có tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh nhất; lượng khách chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm các sản phẩm du lịch và mức chi tiêu cao nhất. Song, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sản phẩm du lịch biển bị chững lại. Ví như Sầm Sơn, ước tính trong 9 tháng năm 2021, thành phố đón được 1.555.632 lượt khách, bằng 33,8% kế hoạch, giảm 49,4% so với cùng kỳ; phục vụ ăn nghỉ 3.499.576 ngày khách, bằng 29,2% kế hoạch, giảm 37,9% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 1.359 tỷ đồng, bằng 35,2% kế hoạch, giảm 53% so với cùng kỳ.

Thanh Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi để du lịch trở lại trạng thái “bình thường mới” - Ảnh 2.

Di tích lịch sử Lam Kinh

Hiện các điểm du lịch sinh thái cộng đồng tại Pù Luông (huyện Bá Thước), bản Năng Cát (huyện Lang Chánh), Bến En (huyện Như Thanh), Xuân Liên (huyện Thường Xuân)... đang có triển vọng phát triển. Các khu, điểm du lịch văn hóa, tâm linh như Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Hàm Rồng, đền Bà Triệu... cũng được trùng tu, tôn tạo và chú trọng phát huy giá trị. Nếu như du lịch nghỉ dưỡng biển đã "qua mùa" hay qua các tháng cao điểm mùa hè (từ tháng 6 đến tháng 8); thì từ nay đến cuối năm, "dư địa" phát triển của 2 sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tâm linh là rất lớn.

Do vậy, thiết nghĩ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương, các đơn vị liên quan cần tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa phát triển. Đó là chú trọng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật một cách đồng bộ; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá các điểm đến; xây dựng các cơ chế chính sách kích cầu phù hợp; tăng cường hợp tác với các địa phương, các doanh nghiệp lữ hành để kết nối các điểm đến và thu hút du khách...

Thanh Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi để du lịch trở lại trạng thái “bình thường mới” - Ảnh 3.

Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ

Với những khó khăn trước mắt Thanh Hóa luôn chủ động và tích cực trong việc đi đầu kích cầu du lịch. Chuẩn bị cho việc khôi phục hoạt động trở lại, đồng thời tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đề xuất những giải pháp khởi động hoạt động du lịch Thanh Hóa trong bối cảnh "bình thường mới" như: Xây dựng lộ trình liên kết với các địa phương lân cận, các thị trường khách trọng điểm như Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An; dành nguồn lực cho công tác truyền thông, quảng bá du lịch Thanh Hóa đảm bảo hiệu quả nhất; xây dựng các điểm đến an toàn để xây dựng liên kết với các địa phương khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng hành trình kết nối; kiểm tra lại năng lực và khả năng đón khách an toàn của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh… hướng tới xây dựng hành lang điểm đến an toàn để dần mở cửa du lịch nội địa.

Để có thể khôi phục ngành du lịch Thanh Hóa phù hợp với trạng thái bình thường mới và mở cửa đón khách du lịch một cách an toàn, bền vững, vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều "điểm nghẽn", cần sự định hướng của Tổng Cục Du lịch, sự chung tay, đồng hành, hiến kế của các địa phương, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các cơ sở lưu trú, các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch sẽ tự hoàn thiện điều kiện để trở thành "điểm đến xanh" trong chuỗi liên kết xanh nội tỉnh và liên tỉnh.

Thanh Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi để du lịch trở lại trạng thái “bình thường mới” - Ảnh 4.

Làng du lịch Yên Trung (Yên Định)

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thời gian tới Thanh Hóa cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch sinh thái cộng đồng phù hợp với tình hình mới. Thông qua các tín hiệu tích cực, tỉnh Thanh Hóa cần nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động để sớm vực dậy các hoạt động du lịch.

Tổng cục Du lịch cũng sẵn sàng phối hợp với tỉnh Thanh Hóa để hoàn thiện lại các nội dung kế hoạch phục hồi du lịch của tỉnh, đồng thời sớm công bố bộ tiêu chí an toàn để các địa phương có định hướng triển khai. Tổng cục Du lịch tin tưởng tỉnh Thanh Hóa sẽ trở thành điểm sáng để du lịch Việt Nam từng bước khôi phục trong thời gian sớm nhất.

Mặc dù tâm và thế đã sẵn sàng, song dịch bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát, lây lan trở lại. Vì vậy các sở, ngành cấp tỉnh, các địa phương trong tỉnh cần tích cực hỗ trợ, song hành cùng các doanh nghiệp với tiêu chí "chia sẻ khó khăn, hài hoà lợi ích", giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển.

Với sự quan tâm, định hướng, đồng hành và hỗ trợ của Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp Hội Du Lịch Việt Nam và sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, sự hợp tác, đồng thuận, hưởng ứng của các doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, du lịch Thanh Hóa kỳ vọng sẽ khôi phục và tăng tốc trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Vũ Quỳnh
Ý kiến của bạn