Thanh Hóa có trên 4.300 tổ công nghệ số cộng đồng
Tổ công nghệ số tại các thôn, xóm, phố đang đóng vai trò quan trọng trong việc phổ cập công nghệ, kỹ năng số tới từng người dân, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Hiện nay, Thanh Hóa đã thành lập được 4.351 tổ công nghệ số cộng đồng, với trên 14.000 thành viên tham gia. Các tổ công nghệ số cộng đồng đã trở thành "cánh tay nối dài" của Ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp, góp phần phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số ngay tại cơ sở.

Ông Vũ Đình Kịp, cựu chiến binh, Tổ trưởng Tổ CNSCĐ khu phố 4 phường Lam Sơn,thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Trong đó, vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng đã tham gia thực hiện có hiệu quả các mô hình "3 không"; "Chợ không dùng tiền mặt"; "Thôn thông minh", "Làng số"… Để phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng, thời gian tới, các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng cần thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến chuyển đổi số... Chú trọng việc cập nhật các kiến thức công nghệ mới, tăng cường số lượng thành viên và phát triển thêm các công cụ hỗ trợ sẽ giúp tổ công nghệ số cộng đồng phục vụ người dân tốt hơn.
Để đạt được kết quả như hiện nay, ngay từ tháng 3 năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương thành lập và triển khai hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng ở các khu phố, thôn, bản.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 4.351 tổ công công nghệ số cộng đồng với 15.995 thành viên. Trong đó, các thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng được tập huấn về kỹ năng sử dụng các thiết bị thông minh, các phần mềm công nghệ; hướng dẫn cách tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số… từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số hiện diện và thấm sâu trong đời sống xã hội của người dân.
Ông Cao Văn Tình, Chủ tịch xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tổ công nghệ số của xã đã vận động người dân trên địa bàn xã tích cực tham gia vào công tác chuyển đổi số và đã có định danh từ mức độ 2 VneID. Không dừng lại ở đó, trong thời gian gần qua, chúng tôi cũng tổ chức thực hiện giao cho tổ công nghệ số đi cài đặt chữ ký số cá nhân".
Ông Trần Văn Kiều, Tổ trưởng Tổ Công nghệ số cộng đồng Khu phố 4, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Mặc dù chúng tôi tuổi đã cao khó tiếp thu công nghệ số, tuy nhiên chúng tôi luôn cố gắng vượt qua những khó khăn với sự đổi mới, luôn học hỏi để hoàn thành công việc cấp trên giao, chúng tôi vẫn tiếp nhận và chuyển tải đến người dân rất nhanh và hiệu quả".
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay khi thực hiện chuyển đổi số là nguồn lực tài chính eo hẹp. Trước đây, nguồn kinh phí chi cho hoạt động chuyển đổi số thường xuyên phải lồng ghép trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác. Hiện nay, các tổ công nghệ số cộng đồng chủ yếu hoạt động tự nguyện.
Để các tổ này đi vào nền nếp, hoàn thiện, hoạt động hiệu năng và hiệu quả hơn, thực sự là "cánh tay nối dài" giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, rất cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, cũng như đẩy mạnh công tác tập huấn về kỹ năng số cho các thành viên.
Trong khi đó, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã nêu rõ yêu cầu, "bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hàng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển". Các địa phương kỳ vọng, đây sẽ là căn cứ quan trọng để các địa phương bố trí nguồn lực tài chính cho hoạt động chuyển đổi số; là động lực mạnh mẽ, mở ra cơ hội mới cho tỉnh Thanh Hóa tăng tốc phát triển chuyển đối số nhanh và bền vững.
Triều Nguyệt
Quý III/2025 sẽ là thời điểm áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lên đến đỉnh, tạo sức ép lớn lên dòng tiền của các doanh nghiệp phát hành, đặc biệt trong bối cảnh môi trường tín dụng thận trọng và tiêu chuẩn phát hành ngày càng siết chặt.