Thanh Hóa: Còn 8 đơn vị chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công

Địa phương
04:31 PM 02/04/2025

So với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bình quân của cả nước, tỉnh Thanh Hóa đang đạt tiến độ 7,4%. Nhiều chủ đầu tư có tiến độ giải ngân cao, song vẫn còn 8 đơn vị chưa thực hiện giải ngân vốn.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn cùng giai đoạn. Việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo thuận lợi để dẫn dắt, thu hút tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác cho đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thanh Hóa: Còn 8 đơn vị chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công- Ảnh 1.

Một góc thành phố Thanh Hoá.

Phát huy kết quả nhiều năm liền đứng trong Top Giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Thanh Hóa đã đặt ra mục tiêu, đến ngày 30/6/2025 phải giải ngân ít nhất 50% kế hoạch vốn được giao; đến 30/9/2025 đạt ít nhất 70%; đến 30/11/2025 đạt ít nhất 90% và phải hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân trước ngày 31/12/2025.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Thanh Hoá đã yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đến từng tháng, có văn bản cam kết về tiến độ giải ngân vốn năm 2025 trước ngày 10/2/2025. Các địa phương phải thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cấp huyện năm 2025.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, tổng kế hoạch đầu tư công của tỉnh năm 2025 là hơn 14.000 tỷ đồng, tổng số vốn đã phân bổ chi tiết cho các chủ đầu tư là hơn 6.500 tỷ đồng.

Tính đến ngày 25/3/2025, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 2.400 tỷ đồng, bằng 16,9% kế hoạch vốn được giao, cao hơn 0,9% so với cùng kỳ năm 2024 và cao hơn 7,4% so với bình quân chung cả nước. Hầu hết các đơn vị, địa phương đã triển khai quyết liệt công tác giải ngân vốn ngay từ đầu năm, tập trung vào các chương trình trọng tâm, chương trình mục tiêu Quốc gia và các dự án xây dựng hạ tầng cơ bản.

Tuy nhiên, có 8 đơn vị chưa thực hiện giải ngân gồm: Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Y tế, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng.

Việc chậm trễ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công của các đơn vị trên có nhiều nguyên do cả khách quan lẫn chủ quan nhưng nhìn chung các đơn vị vẫn chưa thực sự sâu sát, tích cực đấu mối, phối hợp tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc, nhất là về giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Trong đó không ít nhà thầu thiếu trách nhiệm trong tổ chức thi công dự án.

Trong Chỉ thị số 02/CT-UBND, ngày 17/01/2025 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2025 trên địa bàn tỉnh đã nêu rõ, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị được giao làm chủ đầu tư và người đứng đầu đơn vị. Những đơn vị giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch vốn năm 2025 sẽ không được xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và không được đề xuất khen thưởng.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Quý I, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,98 tỷ USD Quý I, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,98 tỷ USD

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), đến hết tháng 3/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước.