Thanh Hóa: Công bố Quyết định chuyển hạng thành Vườn quốc gia Xuân Liên
Chiều 25/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa tổ chức lễ công bố quyết định chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành Vườn quốc gia Xuân Liên.

Cây samu hàng nghìn năm tuổi ở Vườn quốc gia Xuân Liên
Vườn quốc gia Xuân Liên tiền thân là Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được thành lập năm 2000, với tổng diện tích quản lý 25.601,98 ha thuộc địa bàn 5 xã, thị trấn của huyện Thường Xuân, gồm: xã Bát Mọt, xã Yên Nhân, xã Lương Sơn, xã Vạn Xuân và thị trấn Thường Xuân. Trong đó, đất rừng đặc dụng chiếm 23.816,23 ha, được phân chia thành ba phân khu chính: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 10.869,18 ha, phân khu phục hồi sinh thái 10.393,38 ha và phân khu dịch vụ - hành chính 2.553,67 ha. Ngoài ra, khu vực này còn có 912,37 ha đất rừng sản xuất và 873,38 ha đất bán ngập nước thuộc Hồ Cửa Đạt.
Vườn quốc gia Xuân Liên được thành lập với nhiều chức năng quan trọng, trong đó tập trung vào việc bảo vệ tính nguyên vẹn của các hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gen sinh vật.
Đặc biệt, khu vực này đóng vai trò then chốt trong việc duy trì và ổn định nguồn nước cho Hồ Cửa Đạt - một công trình thủy lợi quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Vườn quốc gia Xuân Liên còn có nhiệm vụ phát triển du lịch sinh thái, góp phần cải thiện đời sống nhân dân vùng đệm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Ông Lê Đức Giang Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng Ban Quản lý Vườn quốc gia Xuân Liên.
Xuân Liên được xem là một trong những vườn quốc gia có dự trữ đa dạng sinh học quý giá của Việt Nam. Hiện vườn có trên 1.228 loài thực vật bậc cao, 1.811 loài động vật hoang dã thuộc 241 họ, là nơi phân bố tập trung của hai quần thể cây pơ mu, sa mu cổ thụ, trong đó có hai cây hơn 1.000 tuổi, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao danh hiệu cây di sản. Vườn có 56 loài thực vật nguy cấp quý hiếm, trong đó 35 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam.
Vườn quốc gia Xuân Liên còn là nơi phân bố số lượng quần thể vượn đen má trắng lớn nhất Việt Nam với 64 đàn, 182 cá thể; trên 200 cá thể voọc xám... Đặc biệt, vào tháng 10/2014, các nhà khoa học phát hiện quần thể mang Muntiacus rooseveltorum với khoảng 30 con sinh sống trong Xuân Liên. Loài mang có tên khoa học là Muntiacus rooseveltorum thuộc họ hươu nai (Cervidae) từng sinh sống tại tỉnh Hủa Phăn (Lào) và được xem đã tuyệt chủng từ gần 100 năm trước. Mẫu sọ về loài mang này hiện chỉ còn lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ.

Ông Lê Đức Giang Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Đức Giang Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, việc quyết định nâng hạng lên Vườn quốc gia Xuân Liên, thành lập Ban Quản lý Vườn quốc gia Xuân Liên là cơ sở pháp lý quan trọng, đánh dấu sự khác biệt cao nhất trong hệ thống phân hạng rừng đặc dụng so với các hạng còn lại. Qua đó, Vườn quốc gia Xuân Liên sẽ có nhiều điều kiện hơn để thu hút đầu tư vào nghiên cứu khoa học, phát triển các giá trị du lịch sinh thái, cảnh quan giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2050.
Để phát huy hiệu quả Vườn quốc gia Xuân Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường, huyện Thường Xuân (sau này là cấp ủy, chính quyền và nhân dân của 5 xã), Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Liên tập trung quản lý, bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên hiện có, kiên quyết không để xảy ra cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép, săn bắt động vật rừng, xâm hại tài nguyên rừng đặc dụng.
Các đơn vị và địa phương liên quan phải làm tốt việc rà soát ranh giới, cắm mốc phân định rừng đặc dụng Vườn quốc gia Xuân Liên gắn với cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thiết lập cụ thể các phân khu chức năng của Vườn quốc gia theo quy định. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học trong bảo tồn, phát huy giá trị nguồn gen gắn với nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp có giá trị cao cung cấp cây giống trồng rừng gỗ lớn của tỉnh theo chuỗi giá trị.

Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Vườn quốc gia Xuân Liên.
Đồng thời, quan tâm đời sống nhân dân của 5 xã vùng đệm Vườn quốc gia, thông qua việc tìm kiếm, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư cho công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình sản xuất; lồng ghép, chia sẻ lợi ích của hoạt động du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với nhu cầu chính đáng trong phát triển sinh kế của người dân vùng đệm.
Ông Giang cũng đề nghị Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường quan tâm, hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa tham gia thực hiện các Chương trình, dự án liên quan về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; đặc biệt là tiếp tục kéo dài việc thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) và giúp Vườn quốc gia Xuân Liên đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và nâng cao năng lực công tác bảo tồn.
Tại buổi lễ, Đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm tặng 35 cuốn Hộ chiếu Vườn quốc gia Việt Nam và tặng hoa chúc mừng Ban Quản lý Vườn quốc gia Xuân Liên.
Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho biết, trong năm 2025 sẽ triển khai Dự án bảo tồn tài chính bền vững và phát triển hệ sinh thái phức hợp tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ do Chính phủ Đức tài trợ, thông qua tổ chức GIZ. Dự án sẽ được triển khai tại Xuân Liên trong giai đoạn 2025-2028, nhằm hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực bảo tồn và phục hồi sinh thái.
Quỳnh Chi
Sở Xây dựng TP Hà Nội vừa có văn bản gửi các sở ngành, các quận, huyện về việc cung cấp thông tin cập nhật chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội.