Thanh Hóa: Công nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế 'đầu tàu' trong phát triển kinh tế

Địa phương
10:21 AM 30/08/2023

Đứng trước nhiều thách thức của nền kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đạt con số đáng khích lệ. Trong thành quả đó, ngành công nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế 'đầu tàu' trong hành trình khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 18/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu được ghi nhận sản lượng bằng hoặc tăng so với cùng kỳ, đóng góp vào sự tăng trưởng 7,49% của chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 16,28%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,98%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và  điều hòa không khí tăng 34,25%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,91% so với cùng kỳ…

Thanh Hóa: Tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu của ngành công nghiệp - Ảnh 1.

Đại lộ Nguyễn Hoàng với trụ sở hành chính mới xây dựng sẽ là trung tâm mở rộng TP Thanh Hóa về các hướng.

6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 7% so với cùng kỳ. Trong đó cơ cấu tăng trưởng, lĩnh vực công nghiệp đã khẳng định vai trò chủ lực với mức tăng trưởng ấn tượng (9,14%) so với cùng kỳ.

Báo cáo từ Sở Công thương cho biết, trong những tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp của tỉnh phải đối diện với rất nhiều thách thức. Điển hình như Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sau sự cố xảy ra trong tháng 1/2023 đã phải giảm công suất vận hành xuống 85%. Nhà mày Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và  Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 được Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia huy động tôi đa công suất nhưng cả hai nhà máy đều gặp sự cố kỹ thuật. Sản xuất hàng hóa may mặc, giày dép xuất khẩu gặp khó khăn do thiếu đơn hàng. Các ngành sản xuất xi măng, sắt thép tiêu thụ chậm, tồn kho lớn…

Tuy nhiên, sau khi khắc phục xong sự cố, các nhà máy trọng điểm đã tăng tốc bù công suất. Các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, hàng may mặc… cũng đã linh hoạt trong quản trị điều hành để giữ ổn định thị trường và việc làm cho người lao động. Nỗ lực thực sự của các doanh nghiệp (DN) cùng với sự sát sao trong công tác hỗ trợ của ngành công nghiệp của tỉnh vận hành tương đối ổn định trong thời gian qua.

Thanh Hóa: Tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu của ngành công nghiệp - Ảnh 2.

Tàu chở dầu thô cung cấp cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Thực tế cho thấy, tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp (KKTNS&CKCN), trong những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN vẫn cơ bản được giữ vững. Tổng giá trị sản xuất của các DN tại đây đạt 97.431 tỷ đồng, bằng 104% so với cùng kỳ, nộp ngân sách 10.157 tỷ đồng, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu 1,206 tỉ USD.

Khu Kinh tế Nghi Sơn đã chính thức trở thành trung tâm năng lượng của cả nước, với 2 nhà máy nhiệt điện phát tổng công suất hơn 11,4 tỷ kwh hàng năm lên lưới điện quốc gia. 6 tháng đầu năm, 2 nhà máy đã phát lên lưới quốc gia đạt hơn 4,6 tỷ kwh, tăng 53,7% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện nay, cả hai tổ máy nhiệt điện của 2 nhà máy nhiệt điện đã được xử lý xong sự cố và đưa vào hoạt động trở lại, giúp tăng thêm sản lượng điện trong những tháng mùa khô cho miền Bắc, đồng thời tăng năng lực sản xuất của ngành công nghiệp trong tỉnh trong những tháng tới.

Tại Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn, ảnh hưởng của thị trường tác động lên cả nguồn cung nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, với lợi thế thương hiệu DN và sản phảm, sức cạnh tranh trên thương trường, các sản phẩm chủ lực của DN vẫn được tiêu thụ cơ bản ổn định và không ngừng vươn xa trên thị trường quốc tế. 

Đến hết quý II, Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn đã tạo ra giá trị sản xuất 4.841 tỷ đồng, với giá trị xuất khẩu đạt 99 triệu USD, tăng 125% cùng kỳ. DN này cũng đã đóng góp gần 390 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn 2 của Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn với công suất 3 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng cũng đang nỗ lực cán đích để đưa vào vận hành, sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thanh Hóa: Tiếp tục khẳng định vị thế đầu tàu của ngành công nghiệp - Ảnh 3.

Sản xuất phụ tùng ô tô tại Công ty Seil M Tech (Khu Công nghiệp Bỉm Sơn)

Tại KCN Lễ Môn, Tổng Công ty Thanh Hóa có nhà máy chế biến, sản xuất thủy hải sản và  2 nhà máy chế biến gỗ đều là những DN đang chịu những tác động khắc nghiệt của thị trường. Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh Tổng Công ty Thanh Hoa, cho biết: "Đối tượng khách hàng của DN chính là những quốc gia phát triển như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây cũng chính là đối tượng các thị trường đang chịu tác động mạnh của khủng hoảng kinh tế, lạm phát toàn cầu, khiến nhu cầu thị trường đối với hàng nhập khẩu giảm mạnh. 

Trước bối cảnh đó, DN đã tập trung đầu tư vào chất lượng, đổi mới phương thức quản trị, giảm chi phí sản xuất nhằm giữ ưu thế cạnh tranh về giá và lấy uy tín sản phẩm để giữ chân thành công những khách hàng chủ lực. Nhờ phân tích đúng xu hướng thị trường, DN vẫn giữ ổn định được đơn hàng, doanh thu như kế hoạch sản xuất".

Trên một bình diện khác, may mặc cũng là nghề đối diện với vô vàn khó khăn, thách thức do tác động ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm, sản xuất quần áo các loại vẫn đạt 288 triệu cái, tăng 1,4%. 

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, cho biết; "Dệt may đóng góp quan trọng vào tẳng trưởng công nghiệp 6 tháng đầu năm là do từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã có thêm một số cơ sở công nghiệp trong lĩnh vực dệt may được đầu tư mới và đi vào hoạt động, điển hình như Nhà máy may Victory tại thị trấn Sao Vàng… Đến nay, hàng trăm nhà máy dệt may, da giày trên địa bàn tỉnh dù đối diện với nhiều khó khăn về thị trường, đơn hàng vẫn duy trì ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động.

Hiện nay, một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước đã khôi phục đà tăng trưởng so với cùng kỳ, như Thái Nguyên tăng 4,1%, Hải Phòng tăng 12,3%, Quảng Ninh tăng 7,4%, Bắc Giang tăng 15,7%... sẽ tạo sự lan tỏa, động lực cho ngành công nghiệp tỉnh Thanh Hóa dần ổn định. 

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn khi thị trường thế giới chưa phục hồi hoàn toàn. Ngành công thương đang tiếp tục chỉ đạo bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho các DN trọng điểm vận hành tối đa công suất như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn 2, Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 1… đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách; đồng thời đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai sớm đưa vào hoạt động, các dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư để gia tăng giá trị sản lượng hàng hóa trong thời gian tới./.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.