Thanh Hóa: Đảm bảo an toàn cho khai mạc Lễ hội Đền Nưa - Am Tiên năm 2023
Lễ hội Đền Nưa - Am Tiên năm 2023, tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa sẽ khai mạc vào ngày 30/01, tức ngày mùng 9 tháng Giêng năm Quý Mão. Lễ hội được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ công đức của Bà Triệu và ôn lại lịch sử cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất để lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh và giàu bản sắc văn hóa.
Cách thành phố Thanh Hóa gần 20 km về phía Tây Nam, Am Tiên được biết đến là quần thể di tích lịch sử Quốc gia nằm trên dãy núi ngàn Nưa thuộc địa phận huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Theo sử sách, nước ta có 3 huyệt đạo thiêng gồm: Núi Đá Chông (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội), Núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh) và Núi Nưa (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Trong đó, huyệt đạo trên đỉnh ngàn Nưa được đánh giá là một trong những huyệt đạo linh thiêng nhất nước Nam.
Sau nhiều lần khai quật, xác định các di chỉ còn lại và tổ chức nhiều hội thảo khoa học, tháng 03/2009, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã công nhận địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gồm Núi Nưa, Đền Nưa - Am Tiên là di tích lịch sử danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia. Tháng 08/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của nơi đây gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Núi Nưa, Đền Nưa - Am Tiên đang trở thành địa điểm nổi tiếng thu hút hàng vạn du khách đến tham quan và du xuân đầu năm.
Tọa lạc trên đỉnh ngàn Nưa thuộc làng Cổ Định, xã Tân Ninh quần thể di tích lịch sử Quốc gia "Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên" là một địa danh nổi tiếng thu hút du khách bốn phương, vì vừa là nơi thờ Bà Triệu, vừa là một trong ba huyệt đạo được xem là linh thiêng bậc nhất nước Nam.
Theo sử sách, năm 248, bà Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt - một huyện lệnh có thế lực trong vùng, đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược.
Cuộc khởi nghĩa sau đó tuy đã thất bại, nữ tướng phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) nhưng câu nói của bà: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta" nhiều đời sau vẫn còn lưu truyền mãi.
Trải qua hàng ngàn năm, dấu tích trên ngọn núi này đã bị xóa mờ theo thời gian, nhưng những câu chuyện về giếng tiên, bàn cờ tiên, vườn thuốc tiên, động am tiên… vẫn còn được kể và lưu truyền đến tận ngày nay và thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách.
Theo những bậc cao niên trong làng Cổ Định cho biết, từ thuở xưa đã có nhiều người vượt chín ngọn núi trập trùng lau trắng, để lên đỉnh cao nhất của dãy ngàn Nưa đi du xuân. Trước kia, người dân muốn lên nơi đây phải leo bộ, rẽ lối băng đồi từ một đến hai giờ đồng hồ mới tới nơi, thậm chí những hôm trời mưa phùn, đường mòn trơn trợt rất khó đi.
Từ khi được công nhận di tích lịch sử Quốc gia, thì con đường lên khu di tích đã được đầu tư xây dựng khang trang, du khách có thể dễ dàng sử dụng xe máy hoặc ô tô dưới 16 chỗ, bãi gửi xe đã được xây dựng bố trí khoa học, an ninh trật tự được đảm bảo an toàn.
Lễ hội Đền Nưa - Am Tiên năm 2023 được tổ chức nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và các tướng sỹ đã hi sinh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông; giáo dục truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn" cho mọi tầng lớp nhân dân, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, vãn cảnh; góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Do vậy, Ban tổ chức Lễ hội đã tăng cường công tác tuyên truyền trực quan, tuyên truyền về công tác tổ chức lễ hội, triển khai quảng bá về lễ hội trên các kênh thông tin. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo, đơn vị mình phụ trách; làm tốt công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác vận chuyển hành khách, chuẩn bị tốt các điều kiện cả phần lễ, phần hội cho ngày khai hội; xây dựng Kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trước trong và sau lễ hội để các hoạt động diễn ra an toàn, trang nghiêm, bảo đảm đúng các nghi lễ truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách thập phương.
Trưởng ban Tổ chức lễ hội cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ngành, đơn vị như: Phần lễ giao cho Thủ từ; trang trí khánh tiết, phông, loa đài, văn nghệ, chúc văn giao Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện; công tác vệ sinh môi trường giao cho thị trấn Nưa kết hợp với Thủ từ Đền Nưa - Am Tiên; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông giao Công an huyện phối hợp với thị trấn Nưa; vận chuyển hành khách giao thị trấn Nưa; giao phòng Tài chính tham mưu văn bản về công tác quản lý công đức để giao Ban quản lý đền, Thủ từ quản lý tôn tạo...
Theo ghi nhận của PV đến thời điểm này, công tác chuẩn bị khai mạc lễ hội Đền Nưa - Am Tiên năm 2023 như hoạt động chỉnh trang khuôn viên, vệ sinh môi trường, bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ... đặc biệt là các phương án thắt chặt quản lý, đảm bảo an toàn cho du khách đã cơ bản hoàn thành.
Với sự chuẩn bị tích cực, chu đáo, lễ hội Đền Nưa - Am Tiên 2023 hứa hẹn tạo được ấn tượng tốt đẹp, góp phần phát huy, lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử của Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Nưa - Am Tiên đến đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Theo thông lệ, Lễ hội đền Nưa - Am Tiên chính thức được mở vào ngày mùng 9 Tết hàng năm, ngày "Mở cổng trời" (cho phép du khách lên thắp hương, cầu cúng khu huyệt đạo) và kéo dài đến ngày 20 tháng Giêng. Tuy vậy, ngay từ những ngày mùng 2, mùng 3 Tết, khách thập hương đã nườm nượp tụ hội về đây để chiêm bái, thắp hương cầu xin cho quốc thái dân an, nhà nhà may mắn và cầu tài, cầu lộc, cầu đỗ đạt, cầu duyên, cầu tình...
Vũ QuỳnhThông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.