Thanh Hóa: Đảm bảo ổn định, minh bạch giá vật liệu xây dựng trên địa bàn
Chiều 6/2/2023, ông Mai Xuân Liêm - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị bàn về giải pháp quản lý, điều hành giá vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn đảm bảo ổn định, minh bạch. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.
Theo báo cáo từ Sở Xây dựng, tình hình hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất VLXD; công tác quy hoạch, cấp phép các mỏ VLXD trên địa bàn tỉnh hiện nay có 233 mỏ đất làm vật liệu xây dựng với trữ lượng khoảng 235 triệu m3; 187 mỏ, khu mỏ đá làm vật liệu xây dựng với trữ lượng khoảng 652 triệu m3; 124 mỏ, điểm mỏ cát làm vật liệu xây dựng với trữ lượng khoảng 18 triệu m3; 13 mỏ khoáng sản phân tán nhỏ lẻ do Bộ Tài nguyên và Môi trường phân cấp cho tỉnh với trữ lượng khoảng 649.351 tấn.
Qua tính toán của cơ quan chuyên môn, từ nay đến năm 2025; các mỏ khoáng sản đất, đá được quy hoạch cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng VLXD cho các công trình, dự án. Đối với cát xây dựng có thể khuyến khích đầu tư cát nghiền từ đá thay thế sử dụng cát sỏi lòng sông cho công trình xây dựng, để giảm thiểu ảnh hưởng sạt lở đê điều, bờ bãi sông cho các công trình dự án đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Về công tác quản lý nhà nước về giá bán VLXD, qua khảo sát, liên Sở Xây dựng - Tài chính cũng đã thực hiện công bố giá đất đắp nền phục vụ các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh quý IV/2022 tại các địa phương, như: thị xã Bỉm Sơn, các huyện: Nông Cống, Vĩnh Lộc, Như Thanh, Thạch Thành. Tại các địa phương khác chưa xem xét công bố giá đất san lấp do cơ cấu giá thành chưa phù hợp (giá bốc xúc lên xe cao hơn so với định mức, lợi nhuận thuần cho doanh nghiệp quá cao…).
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận làm rõ những khó khăn, vướng mắc và bàn các giải pháp quản lý giá, bảo đảm nhu cầu cung cấp VLXD trên địa bàn tỉnh, như: thiếu thông tin, dữ liệu để làm cơ sở công bố giá; thiếu sự phối hợp liên ngành trong công tác khảo sát và kiểm soát giá VLXD; cơ cấu hình thành giá bán chưa phù hợp, giá bán giữa các doanh nghiệp chênh lệch lớn…
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm nhất trí với báo cáo và ý kiến thảo luận tại hội nghị. Đồng chí nhấn mạnh, trên cơ sở nhu cầu đầu tư công trung hạn 2021- 2025, Sở Xây dựng chỉ đạo các Ban Quản lý dự án địa phương, khu vực nắm rõ tình hình nhu cầu sử dụng VLXD trong thời gian tới, báo cáo dự báo khối lượng VLXD cần dùng đến, tổng hợp về Sở Xây dựng lên dự toán trình UBND tỉnh xem xét.
Các đơn vị khai thác, sản xuất, kinh doanh VLXD cần thực hiện việc kê khai giá bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, ổn định thị trường, nâng cao quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, người tiêu dùng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Các sở, ngành liên quan thường xuyên khảo sát, điều tra, thống kê, dự báo, điều phối các nguồn VLXD, bảo đảm cân đối khả năng cung - cầu, đáp ứng đủ nhu cầu về VLXD phục vụ cho các công trình, dự án trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tại địa phương trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, hóa đơn, chứng từ kế toán; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Để kiểm soát giá vật liệu xây dựng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đề nghị trên cơ sở ý kiến phát biểu tại cuộc họp và Nghị định số 177 ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá; Văn Phòng UBND tỉnh tổng hợp xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh giao cho ngành Tài chính tham mưu phối hợp với các ngành có liên quan để đưa đất san lấp, đá và cát làm vật liệu xây dựng vào danh mục các mặt hàng kê khai giá.
Yến HoàngTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.